Suy tư: Linh mục, tôi tớ và bạn hữu của Chúa Kitô

1705 lượt xem

  1. Nguồn gốc của mọi thiên chức linh mục

Chủ đề linh mục là đề tài rất được quan tâm và mang tính thời sự trong thế kỷ qua. Công Đồng Vaticanô II đã dành trọn một tài liệu cho chủ đề này với sắc lệnh Presbyterorum Ordinis; năm 1992, thánh Gioan Phaolô II đã gửi tới toàn thể Hội Thánh tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores Dabo Vobis, về việc huấn luyện các linh mục trong bối cảnh hiện nay; tiếp đến, khi công bố năm thánh linh mục 2009-2010, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã phác thảo cách vắn gọn nhưng rất sâu sắc dung mạo linh mục dưới ánh sáng cuộc đời của Cha Sở xứ Ars. Cùng với đó là vô số những suy tư của nhiều tác giả trên thế giới được thực hiện và nhiều cuốn sách viết về chân dung và sứ vụ của linh mục qua dòng thời gian, trong đó rất nhiều tác phẩm có giá trị.

Vậy chúng ta có cần nói thêm gì về đề tài linh mục nữa không? Tôi được gợi hứng từ câu nói của một nhà giảng thuyết khi bắt đầu khóa linh thao: “Non nova ut sciatis, sed vetera ut faciatis – điều quan trọng không phải là biết những điều mới, nhưng là thực hành những điều đã biết.” Vì thế, ở đây, tôi không có chủ đích đưa ra những tóm tắt về huấn quyền, hay tham vọng trình bày tổng quát chân dung lý tưởng linh mục, vì khả năng không cho phép. Nhưng nếu được, tôi chỉ muốn gợi lên những nét đẹp của linh mục, dựa trên một số trích đoạn Lời Chúa nói về linh mục.

Trích đoạn Kinh Thánh được dùng ở đây như sợi chỉ đỏ hướng dẫn chúng ta là trích đoạn 1 Cr 4,1, một trích đoạn được rất nhiều người biết đến trong bản dịch Latin Volgata: “Sic nos existimet homo ut ministros Christi et dispensatores mysteriorum Dei. Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa.”

Từ trích đoạn này, chúng ta có thể đối chiếu định nghĩa trong thư gửi tín hữu Hípri: “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Hr 5,1).

Đây là những dẫn chứng có sức mạnh đưa chúng ta tới nguồn gốc nguyên thuỷ của mọi thiên chức linh mục, nghĩa là tới tình trạng “nguồn” của mạc khải khi thừa tác vụ Tông Đồ này chưa được phân biệt và phát sinh thành ba cấp bậc theo giáo luật là giám mục, linh mục và phó tế. Mỗi cấp có những chức năng riêng biệt và bắt đầu trở nên rõ ràng hơn vào đầu thế kỷ II với thánh Ignatiô thành Antiokia. Sách Giáo Lý Công Giáo đã làm nổi bật nguồn cội chung của chức linh mục khi định nghĩa: “Truyền Chức Thánh là bí tích qua đó, sứ vụ Đức Kitô đã uỷ thác cho các Tông Đồ của Người được tiếp tục thực thi trong Hội Thánh cho đến tận thế: vì vậy đây là bí tích của thừa tác vụ Tông Đồ.”[1]

Khi nhìn lại lịch sử của thiên chức linh mục, nhà thần học người Pháp, Yves Congar OP., cho rằng: “Theo Tân Ước, chức vụ này là quyền bính khiêm tốn và huynh đệ để phục vụ, nhưng chỉ vì một sự lạm dụng và vì quá trình lịch sử có thể giải thích được, có thể cảm thông và có thể thay đổi, quyền bính này đã mặc những chiếc áo “vương đế” hoặc bị ảnh hưởng bởi những hình thức “phong kiến” và được trang phục bằng những y phục của vua chúa.”[2] Người ta dễ dàng nhận ra khuynh hướng giảm thiểu chức linh mục và việc truyền chức như là một thứ quyền bính (pouvoir) trong giai đoạn Trung Cổ, đặc biệt ở thời kỳ Kinh Viện từ thế kỷ XII đến XIII.[3] Theo Yves Congar, chức linh mục tự thân không phải là một thứ “quyền lực,” cũng không phải là một thứ địa vị, hay chức tước trong Giáo Hội, nhưng trên hết là một đặc sủng (charisma) của Chúa Thánh Thần, được ban tặng để phục vụ lợi ích chúng của Hội Thánh.[4]

Bởi thế, chúng ta sẽ cố gắng làm sáng tỏ vấn đề khi quy chiếu càng nhiều càng tốt giai đoạn đầu tiên, để nắm bắt được bản chất của tác vụ linh mục. Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu vế đầu câu nói của thánh Tông Đồ: “Những tôi tớ của Đức Kitô.” Sau đó chúng ta sẽ tiếp tục suy tư về ý nghĩa của việc trở thành “người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” và những mầu nhiệm mà linh mục phải quản lý là gì?

“Những tôi tớ của Chúa Kitô!” (dấu chấm than để chỉ sự cao cả, phẩm giá và vẻ đẹp của danh hiệu này). Ước gì từ ngữ này phải chạm đến trái tim chúng ta nhờ bài suy niệm này và làm cho trái tim chúng ta rung động với niềm tự hào thánh thiện. Ở đây, chúng ta không bàn về những việc phục vụ hay sứ vụ cụ thể, chẳng hạn như quản lý Lời Chúa và các bí tích; nói cách khác, chúng ta không nói về việc phục vụ như một hành động, nhưng như một trạng thái, một ơn gọi nền tảng và như căn tính của linh mục. Chúng ta nói về điều này với cùng một ý nghĩa và tinh thần giống như thánh Phaolô, người luôn tự giới thiệu mình như thế ở đầu các lá thư của ngài: “Phaolô, tôi tớ của Chúa Kitô Giêsu, được gọi làm Tông Đồ” (Rm 1,1).

Trên tấm hộ chiếu vô hình của mình, linh mục hiện diện hàng ngày trước nhan Thiên Chúa và với dân Người, như một lời tuyên xưng: “Tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô.” Dĩ nhiên, mọi Kitô hữu đều là tôi tớ của Chúa Kitô, nhưng linh mục là tôi tớ theo một cách thức và ý nghĩa rất đặc biệt, cũng như tất cả mọi người được rửa tội đều là tư tế, nhưng mọi thừa tác viên được truyền chức thánh là một tước hiệu có một ý nghĩa khác biệt và cao trọng hơn.

  1. Linh mục tiếp tục công trình của Chúa Kitô

Sứ vụ chính yếu mà linh mục được mời gọi để phục vụ Chúa Kitô là tiếp tục công trình của Người trong thế gian: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Trong lá thư nổi tiếng gửi tín hữu Côrintô, Đức Giáo Hoàng Clêmentê đã nhận xét: “Đức Kitô được Thiên Chúa sai đến, còn các Tông Đồ được Đức Kitô sai đi… Khi rao giảng khắp nơi ở nông thôn cũng như thành thị, họ đã chỉ định những người kế vị đầu tiên của mình là những người được đặt lên nhờ sự chứng thực của Chúa Thánh Thần, để làm giám mục và phó tế.” Như vậy, Chúa Kitô được Chúa Cha sai đến, các Tông Đồ được Chúa Kitô sai đi, các giám mục được các Tông Đồ tuyển chọn. Đây là lời công bố rõ ràng về nguyên lý kế vị mang tính tông truyền.

Hiểu cách sâu xa, Lời Chúa Giêsu không chỉ có ý nghĩa pháp lý và hình thức. Nghĩa là người ta không chỉ tìm thấy quyền của các thừa tác viên đã được phong chức để nói là “được Chúa Kitô sai đến”; trái lại, Lời Chúa còn cho biết lý do và nội dung của sứ vụ này giống như việc Chúa Cha sai Chúa Con đến trong thế gian. Tại sao Thiên Chúa sai Con Người đến trong thế gian? Ở đây, chúng ta cũng không hy vọng có được những câu trả lời đầy đủ và phổ quát, vì cần phải đọc toàn bộ Tin Mừng; đây chỉ là một vài cố gắng làm sáng tỏ công trình của Chúa Giêsu.

Trước mặt Philatô, Người đã trịnh trọng khẳng định: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). Do đó, tiếp tục công trình của Chúa Kitô đòi hỏi linh mục phải làm chứng cho sự thật, làm cho ánh sáng của sự thật được toả rạng. Về điểm này, chúng ta cần phải để ý đến nghĩa kép của từ chân lý “aletheia,” trong Gioan. Nó dao động giữa thực tại thần linh và hiểu biết về thực tại thần linh, giữa ý nghĩa hữu thể luận (ontologico) hay ý nghĩa khách quan và ý nghĩa nhận thức luận (gnoseologico) hay ý nghĩa chủ quan. Một cách cơ bản, chân lý là “thực tại vĩnh cửu như được mặc khải cho con người, vừa liên hệ tới thực tại, vừa liên hệ tới mặc khải của nó.”[5]

Trước hết, cách giải thích truyền thống thường hiểu “chân lý” theo nghĩa được mặc khải và hiểu biết về chân lý; nói cách khác, chân lý như là chân lý thuộc tín điều. Đây chắc chắn là một phận vụ chính yếu. Hội Thánh tuyên bố các chân lý này thông qua Huấn Quyền, các Công Đồng, các nhà thần học, và các linh mục khi rao giảng cho dân “giáo huấn lành mạnh.”

Tuy nhiên, chúng ta không được quên một ý nghĩa khác của chân lý theo Gioan: đó là thực tại được biết đến, hơn là sự hiểu biết về thực tại. Dưới ánh sáng này, phận vụ của Hội Thánh và của các linh mục không chỉ giới hạn trong việc loan báo các chân lý đức tin, nhưng còn phải giúp họ kinh nghiệm chân lý, đi vào liên hệ mật thiết và cá vị với thực tại Thiên Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần.

Trong ý hướng đó, thánh Tôma xác quyết: “Đức tin không dừng lại ở lời tuyên xưng, nhưng ở sự việc.” Điều này như muốn nói, những thầy dạy đức tin không thể hài lòng với việc giảng dạy cái gọi là chân lý của đức tin, họ phải giúp mọi người chạm đến “sự việc,” để không chỉ có ý tưởng về Thiên Chúa, mà còn cảm nghiệm về Người, theo ý nghĩa Kinh Thánh của phàm trù “biết” rất khác biệt so với ý nghĩa mà người Hy Lạp và triết học hiểu. Theo đó, biết có nghĩa là gần gũi, gắn bó và kết hợp nên một với Chân Lý là chính Thiên Chúa.

Một lời tuyên bố chính thức khác là lời Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Để hiểu ý nghĩa của câu này, thật cần thiết phải đọc trong ánh sáng của câu trước đó: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chúa Giêsu đến để mặc khải cho loài người ý muốn cứu độ và tình yêu thương xót của Chúa Cha. Tất cả những lời rao giảng của Người được tóm gọn trong lời Người nói với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: “Chính Chúa Cha yêu mến anh em!” (Ga 16,27).

Trở thành người tiếp nối công trình của Chúa Kitô trong thế gian có nghĩa là thể hiện thái độ cơ bản này đối với mọi người, ngay cả những người ở xa nhất. Đừng phán xét, nhưng hãy cứu độ. Chúng ta không nên bỏ qua những phẩm chất nhân bản mà Thư gửi tín hữu Hípri muốn phác họa hình ảnh Đức Kitô Thượng Phẩm và cũng là hình ản của mọi linh mục: sự thấu cảm, tinh thần đoàn kết, lòng thương cảm với dân Chúa.

Khi nói về Chúa Kitô, tác giả Thư Hípri viết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Hr 4,15-16).

Về vị thượng tế loài người, tác giả khẳng định rằng: “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy” (Hr 5,1-3).

Chắc chắn rằng, Chúa Giêsu mong muốn các linh mục tiếp tục công trình của Người với tâm hồn chân thật, tránh vụ hình thức, nhưng ý thức sự yếu đuối mỏng dòn của mình, sống khiêm tốn và biết cảm thương với những yếu đuối của tha nhân.

Quả vậy, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã tỏ ra nghiêm khắc, phê bình và lên án, nhưng Người làm điều đó với ai? Không phải với những người đơn sơ, những người đã theo Người và đến nghe Người, nhưng với những kẻ đạo đức giả, những kẻ tự cao tự đại là những Rabbi và những người lãnh đạo của dân. Chúa Giêsu đã không làm như một số chính trị gia thường nói: “Rắn với kẻ yếu và mềm với kẻ mạnh.” Ở đây hoàn toàn ngược lại!

  1. Linh mục không là người kế vị

Linh mục là người tiếp tục chứ không phải là người kế vị của Chúa Kitô. Nhưng chúng ta có thể nói về các linh mục như những người tiếp tục công trình của Đức Kitô theo nghĩa nào? Trong mọi thể chế của con người, như vào thời đế chế La Mã xưa, cũng như các dòng tu và tất cả các doanh nghiệp trên thế giới hôm nay, những người kế vị sẽ tiếp tục công trình, chứ không phải là người sáng lập. Điều này đôi khi bị sửa đổi, điều chỉnh và thậm chí còn bị từ chối. Hội Thánh không phải như vậy. Chúa Giêsu không có những người kế vị vì Người không chết, nhưng vẫn còn sống: “Một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6,9).

Vậy, phận vụ của thừa tác viên của Người là gì? Đó là đại diện cho Người, nghĩa là làm cho Người hiện diện, nhờ sự hiện diện hữu hình của mình để diễn tả sự hiện diện vô hình của Người. Điều này nhấn mạnh chiều kích ngôn sứ của chức tư tế. Trước Đức Kitô, tính ngôn sứ căn bản hệ tại ở việc loan báo về ơn cứu độ trong tương lai, “trong những ngày sau hết.” Với sự xuất hiện của Chúa Kitô, ngôn sứ hệ tại trong việc trình bày cho thế giới biết sự hiện diện ẩn dấu của Đấng Cứu Thế trong con người của Đức Giêsu, như Gioan Baotixita đã từng cảnh tỉnh: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26).

Vào thời của Chúa Giêsu, “trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hylạp. Họ đến gặp ông Philípphê, người Bếtxaiđa, miền Galilê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” (Ga 12,21).

Ngày nay, có rất nhiều người mang trong lòng mình những khát khao, khoắc khoải khôn nguôi trên đường tìm kiếm chân lý và hạnh phúc đích thực, họ cũng muốn tìm gặp các linh mục để được hướng dẫn và soi sáng.

Thánh Grêgôriô Nissenô đã đúc lại thành một biểu ngữ nổi tiếng, thường được áp dụng cho kinh nghiệm của các nhà thần bí: “Cảm thức hiện diện.”[6] Cảm thức hiện diện không chỉ là đức tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô; nó còn là cảm thức sống động, một sự cảm nhận dường như thuộc thể lý về sự hiện diện thực sự của Đấng Phục Sinh. Nếu điều này thuộc kinh nghiệm thần bí, thì có nghĩa là mỗi linh mục phải là một nhà thần bí, hoặc ít nhất là một “nhà nhiệm huấn,” người giới thiệu cho mọi người mầu nhiệm của Thiên Chúa và Chúa Kitô, như ngài đang nắm giữ trong bàn tay mình.

Nhiệm vụ của linh mục không gì khác hơn là thực hiện điều mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh về sứ vụ ưu tiên của đấng kế vị thánh Phêrô và của toàn thể Hội Thánh, trong bức thư gửi các giám mục ngày 10 tháng 3 năm 2009: “Trong thời đại chúng ta, đức tin đang có nguy cơ bị dập tắt như ngọn lửa không còn tìm thấy nguồn năng lượng trong nhiều phạm vị rộng lớn trên thế giới, ưu tiên hàng đầu là làm cho Thiên Chúa hiện diện trên thế giới này và mở ra cho con người hôm nay lối vào trong Thiên Chúa, không phải là tin vào bất kỳ vị thần nào, nhưng là vị Thiên Chúa đã phán trên núi Sinai, một vị Thiên Chúa mà chúng ta đã nhận ra dung mạo Người qua tình yêu “cho đến cùng” (x. Ga 13,1), nơi Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và phục sinh… Chúng ta hãy dẫn dắt mọi người đến với Thiên Chúa, Đấng đã phán trong Kinh Thánh. Đây là ưu tiên căn bản và tối thượng của Hội Thánh và của người kế vị thánh Phêrô vào thời điểm này.”

  1. Linh mục, tôi tớ và bạn của Chúa Kitô

Nhưng giờ đây chúng ta cần tiến thêm một bước trong suy tư của mình về danh hiệu “những tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô.” Danh hiệu này không bao giờ được đứng một mình; nó phải luôn luôn đứng bên cạnh một danh hiệu khác, đó là danh hiệu bạn hữu.

Cội nguồn chung của mọi thừa tác vụ linh mục xuất hiện sau này phát xuất từ sự tuyển chọn Nhóm Mười Hai mà Chúa Giêsu đã thực hiện xưa kia. Đây là nền tảng của việc Chúa Giêsu thiết lập thiên chức linh mục theo ý nghĩa lịch sử. Dĩ nhiên, quả là đúng khi phụng vụ đặt việc thiết lập thiên chức linh mục vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, vì Chúa Giêsu đã nhắn gửi các Tông Đồ sau khi lập bí tích Thánh Thể: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Nhưng ngay cả lời này cũng giả thiết đã có sự lựa chọn Nhóm Mười Hai, nếu không, hay chỉ xét riêng nó thôi, thì có người sẽ dùng để biện hộ cho vai trò linh mục là chỉ lo việc thánh hoá và phụng vụ, chứ không có vai trò quan trọng là loan báo Tin Mừng.

Vậy, Chúa Giêsu đã nói gì vào lúc ấy? Tại sao Người lại chọn Nhóm Mười Hai, sau khi đã cầu nguyện suốt đêm? “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ (Mc 3,14-15). Ở với Chúa Giêsu và đi rao giảng: ở lại và đi, nhận và cho: chỉ trong vài từ ngữ thôi, nhưng đó là nhiệm vụ chính yếu của những thừa tác viên Chúa Kitô.

“Ở với” Chúa Giêsu rõ ràng không chỉ có nghĩa là sự gần gũi thể lý; một cách vắn gọn, tất cả sự phong phú này được thánh Phaolô tập hợp lại trong công thức rất ý nghĩa: “Trong Đức Kitô” hay “với Đức Kitô.” Nó có nghĩa là chia sẻ tất cả những gì thuộc về Chúa Giêsu. Tuy vậy, điều đó không gói gọn nơi cuộc sống rày đây mai đó, mà còn bao hàm cả suy nghĩ, mục đích và tinh thần của Người. Chính vì vậy mà chúng ta hiểu ý nghĩa của từ “đồng hành” xuất phát từ tiếng Latin vào thời Trung Cổ, nó có nghĩa là người có chung tấm bánh (con-panis), người ăn cùng một tấm bánh.

Trong diễn từ từ biệt, Chúa Giêsu đi thêm một bước, khi làm trọn nghĩa danh hiệu bạn đồng hành với danh hiệu bạn hữu: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).

Lời tuyên bố đầy tình yêu này của Chúa Giêsu quả thực rất cảm động. Một lần kia, chi chia sẻ Lời Chúa với nhóm bạn và đọc trích đoạn này của Gioan, tôi thực sự xúc động, lập tức tôi nhận ra điều gì đó cao cả chứa đựng ở đây. Từ “bạn hữu” đã đụng chạm tới trái tim tôi một cách sâu nhất mà tôi chưa từng trải nghiệm; có điều gì đó đã đánh động tôi rất sâu sắc, đến nỗi trong suốt thời gian hôm đó, tôi đã lặp đi lặp lại với mình, với sự ngạc nhiên đến mức hoài nghi: Chúa gọi tôi là bạn! Chúa Giêsu thành Nadarét, là Chúa, là Thiên Chúa của tôi! Chúa gọi tôi là bạn! Tôi là bạn của Chúa! Và lúc đó trong tôi có một sức mạnh kỳ diệu nhưng rất khó tả về xác tín chắc chắn này.

Khi nói về tình yêu Chúa Giêsu Kitô, thánh Phaolô luôn tỏ ra “xúc động”: “Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? (Rm 8,35), “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi!” (Gl 2,20). Chúng ta có xu hướng hoài nghi với cảm xúc và thậm chí còn xấu hổ về nó. Chúng ta không nhận ra sự giàu có nơi cảm xúc mà chúng ta được phú bẩm. Chúa Giêsu “vô cùng xúc động” và khóc lóc trước nỗi đau của bà goá thành Nain (x. Lc 7,13) và chị em nhà Ladarô (x. Ga 11,33-35). Nếu một linh mục có khả năng bị xúc động khi nói về tình yêu của Thiên Chúa và sự đau khổ của Chúa Kitô hay nếu ngài biết tập hợp những chứng tá về những nỗi đau lớn lao, thì ngài có sức thuyết phục tốt hơn so với những lý luận trừu tượng. Xúc động không nhất thiết phải khóc; nó là một cái gì đó được cảm nhận trong ánh mắt, giọng nói và thái độ. Kinh Thánh chứa đầy những pathos, đó là cảm xúc của Thiên Chúa.

  1. Linh hồn của đời sống linh mục

Mối tương quan cá vị, đầy tin tưởng và thân tình với con người Chúa Giêsu là linh hồn của mọi linh mục. Về điều này, cuốn sách “Linh hồn của mọi người tông đồ” của Dom Chautard là một cuốn sách rất hay và đã làm xúc động nhiều lương tâm trong những năm trước Công Đồng. Vào thời điểm đó, người ta đang còn hăng say với những “công trình giáo xứ”: như điện ảnh, giải trí, sáng kiến ​​xã hội, xiếc văn hóa, xây dựng cơ sở… tác giả đột ngột chuyển sang trọng tâm của vấn đề, tố cáo sự nguy hiểm của một chủ nghĩa hoạt động trống rỗng. Tác giả viết: “Thiên Chúa muốn Chúa Giêsu trở thành sự sống của mọi công trình.”[7]

Dĩ nhiên, Đức Giêsu không giảm khinh tầm quan trọng của các hoạt động mục vụ. Tuy nhiên, Chúa khẳng định rằng nếu không có đời sống kết hiệp với Người, thì họ chẳng khác gì là những “thanh la phèng phèng” (x. 1 Cr 13,1), hay theo cách nói của thánh Bênarđô thì đó là “những loại nghề đáng nguyền rủa.”[8] Đã có lần Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Anh có mến Thầy không?… Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,17). Âm hưởng của lời đó vẫn vang vọng hôm nay. Hoạt động mục vụ của mọi thừa tác viên trong Hội Thánh, từ Giáo Hoàng cho đến vị linh mục cuối cùng, không gì khác ngoài sự diễn tả cụ thể tình yêu đối với Chúa Kitô: Anh có mến Thầy không? Sau đó, hãy chăn dắt! Quả thật, tình yêu dành cho Chúa Giêsu là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa linh mục như quan chứcquản lý và linh mục như tôi tớ của Chúa Giêsu và là người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Cuốn sách của viện phụ Dom Chautard sẽ rất ý nghĩa nếu được đặt tựa đề: “Linh hồn của mỗi linh mục.” Bởi vì, trong thực tế, tác giả nói về chính mình trong suốt tác phẩm, như là tác nhân và người tiên phong trong chương trình mục vụ của Giáo Hội. Vào thời điểm đó, mối nguy hiểm mà người ta muốn phản ứng là lên án “chủ nghĩa Americanisme” (chủ nghĩa duy hoạt động). Nên, viện phụ này thường quy chiếu lá thư của Đức Lêô XIII “Testem Benevolentiae”, người đã lên án nó như là một dạng của tà thuyết.

Ngày nay, nếu có thể nói như một dị giáo, cũng vì lý do số lượng linh mục giảm dần, khuynh hướng duy hoạt động này không chỉ là “một hiện tượng” nhưng còn là một mối đe dọa, làm suy yếu hàng giáo phẩm trong toàn Hội Thánh. Nó còn được gọi là chủ nghĩa hoạt động điên cuồng.

Để Chúa Giêsu trở thành linh hồn của linh mục, bước đầu tiên là không nhìn Đức Giêsu chỉ đơn thuần như là một nhân vật (personage), nhưng là sống với Người như một nhân vị sống động (persone). Bạn có thể say mê nói về nhân vật. Nhưng nhân vật không thể nói về ai và với ai. Bạn có thể nói bao lâu tùy thích về đại đế Alexander, hoàng đế Julius Caesar, hoàng đế Napoléon, nhưng nếu bạn nói rằng tôi đã nói chuyện với một trong số những nhân vật này, thì ngay lập tức, người ta sẽ nghĩ rằng bạn không bình thường rồi. Trái lại, nhân vị là một người có thể nói chuyện với và về ai đó. Dẫu Chúa Giêsu vẫn là một nhân vật của quá khứ, của ký ức, của tín điều, của lịch sử. Nhưng chúng ta cần ý thức rằng với biến cố Phục Sinh, Người đang sống và hiện diện, và nói với Người thì quan trọng hơn là nói về Người.

Ở nước Ý, có một bộ tác phẩm nổi tiếng được dựng thành phim với tựa đề: Dom Camillo di Guareschi. Vì là một tác phẩm văn chương nên có những chi tiết được hư cấu, nhưng một trong những nét đẹp nhất của chân dung Don Camillo là việc ngài thường nói to với Chúa Giêsu trên thập giá về tất cả những gì xảy ra trong giáo xứ khi ngài cầu nguyện. Nếu chúng ta có thói quen làm điều đó một cách tự phát, bằng lời nói của mình, có lẽ có nhiều điều sẽ thay đổi trong đời sống linh mục! Chúng ta sẽ nhận ra rằng, mình không bao giờ nói chuyện với không khí, nhưng với Đấng đang hiện diện, lắng nghe và trả lời, dĩ nhiên không cần phải lớn tiếng như Don Camillo.

  1. Ưu tiên cho những điều quan trọng

Trong Thiên Chúa, mọi công trình tạo dựng bên ngoài đều phát xuất từ ​​đời sống nội tại của Người, “từ dòng chảy tình yêu của Người không hề ngưng,” và mọi hoạt động của Chúa Kitô đều bắt nguồn từ cuộc đối thoại liên lỉ với Chúa Cha. Cũng vậy, mọi hoạt động của linh mục phải là sự kéo dài của sự kết hợp với Chúa Kitô. “Như Cha đã sai Thầy, nên Thầy cũng sai anh em” có nghĩa là: Thầy đã đến thế gian nhưng Thầy không bao giờ xa rời Chúa Cha, anh em cũng thế, hãy đi vào thế gian nhưng không được xa rời Thầy, không xa mặt cách lòng.

Khi cuộc gặp gỡ này bị gián đoạn, nó giống như khi nhà mất điện, mọi thứ dừng lại và trở nên tối tăm, hay như khi bình nước hết, các vòi nước không thể cấp nước được nữa. Nhiều lúc chúng ta nghe nói: làm sao chúng ta có thể bình tĩnh và cầu nguyện khi quá nhiều nhu cầu đòi hỏi chúng ta có mặt? Làm sao để không chạy khi cháy nhà? Đó là sự thật, nhưng chúng ta hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra với một đội lính cứu hỏa chạy theo tiếng còi hú vang lên để dập ngọn lửa và sau đó, khi đến nơi, họ nhận ra rằng họ không có một giọt nước nào trong bồn. Sẽ giống như vậy khi chúng ta đi rao giảng hoặc thi hành các tác vụ khác mà thiếu vắng cầu nguyện và ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần.

Câu chuyện ý nghĩa sau đây mà tôi được biết đến có thể soi sáng cho những chọn lựa trong ngày sống của linh mục. Ngày nọ, một vị giáo sư già được mời như một chuyên viên để nói về việc thiết lập các kế hoạch hiệu quả nhất trong thời đại này cho các giám đốc điều hành cấp cao của một số công ty lớn ở Bắc Mỹ. Bấy giờ ông ấy quyết định đưa ra một cuộc thử nghiệm. Đứng dậy, ông lôi từ dưới bàn lên một chiếc bình thủy tinh lớn nhưng rỗng không. Sau đó, ông lấy một tá những viên đá có kích thước bằng quả bóng tennis và nhẹ nhàng bỏ từng viên một vào bình cho đến khi đầy. Khi không thể thêm được nữa, ông hỏi các học trò: “Các bạn nghĩ cái lọ đã đầy chưa?” Tất cả đều trả lời: “Vâng, đầy rồi.”

Vị giáo sư lại cúi xuống, lấy từ dưới bàn một chiếc hộp có nhiều sỏi, rồi đổ lên trên những hòn đá, rồi quay chiếc bình để chúng có thể lọt qua những hòn đá xuống đáy bình. Rồi ông hỏi: “Lần này bình đầy chưa?” Mọi người trở nên thận trọng hơn, vì bắt đầu hiểu ra và trả lời: “Có thể là chưa.” Vị giáo sư già lại cúi xuống và lần này ông lấy ra một túi cát rồi đổ vào bình. Cát lấp đầy khoảng trống giữa các viên đá và sỏi. Rồi ông hỏi lại: “Bình bây giờ đã đầy chưa?” Và tất cả không chút do dự trả lời: “Chưa!” Cuối cùng, ông lấy chiếc bình trên bàn và đổ nước vào bình cho đến gần miệng.

Lúc này ông hỏi: “Thí nghiệm này cho chúng ta thấy sự thật tuyệt vời nào?” Một người mạnh dạn nhất trả lời: “Điều này cho thấy rằng ngay cả khi chương trình làm việc của chúng ta đã hoàn toàn đầy đủ, với một chút thiện chí, bạn luôn có gì đó thêm nữa để làm.” Giáo sư trả lời: “Không. Thí nghiệm cho thấy rằng nếu bạn không đặt những hòn đá lớn vào bình trước, sau đó bạn sẽ không bao giờ có thể bỏ chúng vào trong bình được. Những hòn đá này, những ưu tiên trong cuộc sống của bạn là gì? Điều quan trọng là biết đặt những hòn đá lớn này trước trong chương trình làm việc của bạn.”

Thánh Phêrô đã từng chỉ ra bổn phận chính yếu, ưu tiên tối thượng của các Tông Đồ và những người kế vị, các giám mục và linh mục: “Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6, 4).

Hơn ai hết, các linh mục đang phải đương đầu với nguy cơ hy sinh điều quan trọng hay chính yếu (important or essential) cho điều cấp bách hay tuỳ phụ (urgent or contingent). Việc cầu nguyện, chuẩn bị bài giảng hoặc dâng lễ, nghiên cứu và huấn luyện, tất cả là những điều quan trọng, nhưng không cấp bách; nếu không làm, bên ngoài xem ra thế giới vẫn không sụp đổ, trong khi có rất nhiều việc nhỏ: như một cuộc họp, một cuộc điện thoại, một cuộc đi chơi, đi ăn với bạn là cấp bách. Vì vậy, chúng ta thường ưu tiên làm điều cấp bách trước, rồi sẽ làm những điều quan trọng sau, nhưng rút cuộc chẳng có giờ làm nữa.

Đối với một linh mục, việc đặt “những những hòn đá to vào trong bình trước” có ý nghĩa rất cụ thể: bắt đầu một ngày mới với một thời gian cầu nguyện và đối thoại với Chúa, để các hoạt động và bổn phận khác nhau không chiếm hết không gian.

Tôi xin mượn lời cầu nguyện của viện phụ Chautard để kết thúc suy tư nhỏ bé này: “Lạy Chúa, xin hãy ban cho Hội Thánh nhiều Tông Đồ, nhưng xin hãy nhen nhóm trong lòng họ niềm khao khát cháy bỏng sống mật thiết với Chúa, đồng thời khát khao làm việc vì lợi ích của người khác. Xin ban cho tất cả biết hoạt động trong chiêm niệm và biết chiêm niệm trong hoạt động.” Chớ gì được như vậy!

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương
Hướng tới Thứ Năm Tuần Thánh 2021, ngày thiết lập bí tích Linh Mục

——————————————-

[1] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1536.

[2] I-P. Jossua, Yves Congar profile di una teologia, Queriniana, Brescia 1970, 132.

[3] Cf. J. Famerée, “Ecclésiologie du Père Yves Congar. Essai de synthèse critique” trong RSPhT 76 (1992), 406.

[4]Cf.  Yves Congar, “Titres et honneur dans l’Église” trong cuốn Pour un Église servant et pauvre, Cerf, Paris 1973.

[5] H. Dodd, L’interpretazione del Quarto Vangelo, Paideia, Brescia 1974, p. 227.

[6] Gregorio Nisseno, Sul Cantico, XI, 5, 2 (PG 44, 1001): “Aisthesis parousias.’’

[7] J.-B. G. Chautard, L’âme de tout apostolat, Lyon-Paris 1934 (Trad. ital. L’anima di ogni apostolato, San Paolo 2007).

[8] Bernardo di Chiaravalle, De considerazione, I, 2 s.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời