Caritas Việt Nam: Phóng sự tỵ nạn & di dân

983 lượt xem

Ký Ức Của Tình Yêu và Lòng Xót Thương

“Vì muốn trốn chạy khỏi Việt nam, con đã sống sót ở đảo Palowan, Philippines. Người dân Philippines đã đón nhận chúng con, yêu thương chúng con. Con thấy mình được đặc ân khi được dừng chân trên đất nước cha.” Bà Nguyễn Thị Thu Vân (tên đã được thay đổi) hiện đang sống tại Mỹ đã nói như thế khi tiếp Đức Hồng Y Tagle tại nhà hàng của mình.

Trong những năm gần đây, làn sóng di dân và tị nạn ngày càng nhiều. Tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy? Có rất nhiều lý do, vì xung đột, nội chiến, đói khổ, thất nghiệp v.v. Họ phải ra đi để lại sự chia ly. Người ta sẽ chẳng bao giờ muốn rời bỏ quê hương xứ sở của mình, nếu họ đang có một cuộc sống yên ổn. Trước thảm cảnh của người di dân, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô luôn quan tâm đặc biệt đến họ. Ngài đã quảng bá chiến dịch Chia Sẻ Hành Trình. Ngài kêu gọi mọi người hãy ra đi đến gặp gỡ, thăng tiến, bảo vệ và hòa nhập người di dân và tị nạn vào cộng đồng. Ngài tha thiết kêu gọi các tổ chức, các chính phủ lưu tâm đến anh chị em di dân và tị nạn.

Hưởng ứng Chiến Dịch Chia Sẻ Hành Trình của ĐTC Phanxicô. Ban truyền thông Caritas Việt Nam dựa trên hai câu chuyện của Đức Hồng Y Tagle, Chủ Tịch Caritas Quốc Tế đã chia sẻ và đăng tải trên YouTube xin được viết lại và gởi trao tâm tình cảm nhận:

Đất Nước Philippines Đón Nhận Khách Lạ

Trong một dịp đến Washington DC, Mỹ, Đức Hồng Y Tagle đáp chuyến bay tại phi trường Virginia. Một người em trai và người họ hàng của ngài đã ra đón và gợi ý với ngài ăn tối ở gần ngay phi trường. Muốn cho mau lẹ để có chút thời gian nghỉ ngơi vì trời đã tối. Ngài đồng ý dùng bữa tại một nhà hàng “Phở” Việt Nam. Đang khi dùng món tráng miệng, một phụ nữ tiến ra chào ngài và giới thiệu bà là chủ nhà hàng này, là người Việt Nam, và cũng là người Công giáo.

Trò chuyện với Đức Hồng Y Tagle và nhìn phong thái ngài, bà hỏi ngài có phải là linh mục không. Câu chuyện càng được mở ra, khi bà biết đây là những người đến từ đất nước Philippines. Bởi lẽ, mỗi lần gặp được người philipino, lòng bà trào dâng niềm vui và biết ơn vì bà đã từng tị nạn nhiều năm ở đất nước hiếu khách này. Bà chia sẻ rằng, vì muốn trốn chạy khỏi Việt nam, con đã sống sót ở đảo Palowan, Philippines. Người dân Philippines đã đón nhận chúng con, yêu thương chúng con. Con thấy mình được đặc ân khi được dừng chân trên đất nước cha. Đức tin của con đã được “nuôi dưỡng”. Cha thấy đó, hầu hết các nhân viên của con ở đây là người Philipino. Vì mỗi khi người Filipino xin vào làm việc, con luôn dành một chỗ đặc biệt cho họ. Một chút nhỏ nhoi, con muốn đáp trả lại ân tình con đã nhận được.

Joan of Ark ở Nước Li băng

Đến với nước Li băng, Đức Hồng Y Tagle đã ghé thăm một trong các trại tị nạn. Đại đa số những người tị nạn đến từ Syria, Irac, Afghanistan. Sau đó ngài có một buổi chia sẻ với những tình nguyện viên Caritas. Vì biết rằng các tình nguyện viên Caritas đã mệt mỏi như thế nào khi mỗi ngày họ phải chứng kiến hết thiên tai này đến thiên tai khác. Vì thế, đối với họ mỗi ngày đều là những ngày tăm tối.

Trong bóng tối luôn có ánh sáng lóe rạng. Chính vì thế, Đức Hồng Y mời gọi các thiện nguyện viên hãy tìm ra dấu chỉ của niềm hy vọng. Ngài nói rằng: “Giờ đây chúng ta hãy chia sẻ những câu chuyện mang đậm dấu ấn niềm hy vọng. Nơi những vết thương mở ra cho Đức Kitô, các bạn sẽ tìm được sự sống mới.” Ngài mời gọi các thành viên hãy chia sẻ những câu chuyện mà họ đã tìm thấy sự sống như thế nào khi đi vào vết thương của những người anh, người chị em mình.

Một cánh tay dơ lên, tên chị là Joan d’Ark, Joan of Ark ở nước Li băng. Công việc của chị là chăm sóc đặc biệt cho những người di dân bất hợp pháp, đó là những người bị bắt và bị bỏ tù. Nơi đây chị đã chăm sóc cho rất nhiều người Filipino ở Beirut.

Một ngày kia, chị được Caritas Syria mời tập huấn cho một số người làm mục vụ cho những người di dân bất hợp pháp. Rồi một ngày chị đón taxi đến địa điểm chủng viện là nơi tập huấn. Đến lúc bước xuống, chị hỏi người tài xế hết bao nhiêu tiền? Nhưng anh tài xế liền đáp, chị không phải trả. Người phụ nữ ấy bắt đầu lo sợ và nói: “Không, tôi có tiền, tôi có thể trả cho anh.” Người tài xế: “không, chị không phải trả.” Lúc này chị không thể kiềm chế được nỗi hoảng sợ, chị đã nghĩ: anh này đòi mình trả bằng gì đây và chị thét lên: “Tôi có tiền, bao nhiêu cũng được…” Người tài xế vẫn bình thản trả lời: “Tôi làm sao có thể lấy tiền của người làm cho Caritas.” “Nhưng sao anh biết tôi làm cho Caritas?”, chị hỏi. “Cách đây ba năm tôi đã ở trong một nhà tù ở Beirut. Hôm đó, tôi bị ốm, tôi xin thuốc uống nhưng chẳng ai muốn cho tôi. Chị đã đến bên tôi, nghe tôi nói và cho tôi thuốc. Đêm đó tôi đã ngủ được nhưng chưa cám ơn chị. Vậy, giờ đây hãy để cho tôi được cám ơn chị.”

Năm tháng qua đi, như người phụ nữ Việt Nam dù có ở cách xa địa lý hàng ngàn dặm, hay gần như anh tài xế, cũng không thể xóa đi những hình ảnh thân thương ghi đậm trong trái tim họ. Đó là một ký ức yêu thương bởi những vết thương đã được chữa lành bằng tình yêu và sự đón nhận vô điều kiện; một ký ức bị tổn thương được thay bằng ký ức của tình yêu, ký ức của lòng xót thương, ký ức của việc nhìn nhận người khác như là người anh, người chị của mình sẽ luôn được giữ lại trong lòng họ và đưa họ đến một hành trình mới, một sự sống mới.

Tất cả những cử chỉ và khuôn mặt nhân ái đã cưu mang lấy họ trong lúc chơi vơi và đau khổ tột cùng đã thôi thúc họ tìm kiếm sự trao ban lại. Trao ban không chỉ dừng lại ở người đón nhận, nhưng hành động nhân ái đó luôn được chuyển tiếp và nhân lên. Có thể rằng ký ức về những năm tháng tị nạn gian nan, gập ghềnh vẫn còn đó, nhưng những con người di dân và tị nạn được người khác đưa tay ra đón nhận, đã làm cho cuộc đời họ trỗi dậy, được sinh ra một lần nữa.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta đều cần có nhau. Chẳng phải hầu hết chúng ta đều có kinh nghiệm cho và nhận? Đặc biệt những lúc khó khăn chúng ta được người khác đưa tay ra chở che và cứu giúp. Chúng ta được trao tặng con tim biết yêu thương, biết chạnh lòng mỗi khi thấy người khác đau khổ và cần được cứu chữa. Con tim thôi thúc chúng ta mở rộng vòng tay yêu thương để đón lấy anh chị em của mình, đồng thời đón nhận sự nâng đỡ của người khác. Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta trong mọi nơi, cả trong những giây phút không mong đợi nhất. Hành trình của chúng ta đi, luôn mời gọi sự hiệp thông sâu xa bởi những vết thương được mở ra và tình yêu là cửa ngõ đi vào.

BBT Caritas Việt Nam

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận