BỐN GỢI Ý GIÚP VIỆC NUÔI DẠY TRẺ DỄ DÀNG HƠN
Gregory Popcak
WHĐ (11.06.2023) – Là bậc cha mẹ, ai trong chúng ta cũng trải nghiệm và nhận thức rất rõ: Nuôi dạy con cái là một việc không chỉ khó khăn, mà còn là một thách đố liên lỉ.
Trong Thần học Thân xác, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II dạy rằng: gia đình là trường học yêu thương và nhân đức; và cha mẹ là những thầy dạy đầu tiên của con cái. Thật vậy, cha mẹ là những người thầy vĩ đại vì cha mẹ đang dạy những bài học quan trọng nhất – mà theo nhãn quan của Thông điệp Evangelium Vitae, đó là làm thế nào để trải nghiệm “những giá trị giúp mỗi người sống cuộc đời của mình như một hồng ân“.
Vậy làm sao để chúng ta chu toàn trọng trách của mình? Sẽ thật tuyệt vời nếu có một số phương cách giúp việc nuôi dạy con cái dễ dàng hơn.
Trong thực tế, có nhiều phương pháp khác nhau mà cha mẹ có thể lựa chọn, ví dụ như: sửa lỗi bằng lời nói, Time-out[1], khen thưởng, la mắng, đánh đòn, … Nhưng làm sao để bạn biết phương pháp nào sẽ thực sự hiệu quả?
Dưới đây là 4 gợi ý nhằm giúp bậc cha mẹ đánh giá sức mạnh của những phương pháp, mà nhờ đó, việc nuôi dạy con cái hữu hiệu hơn, và trở nên dễ dàng hơn.
1. Phương pháp không thể thay thế cho mối tương quan.
Một sự thật hiển nhiên trong tâm lý gia đình là “quy tắc mà không có tương quan sẽ dẫn đến nổi loạn“. Phương pháp nuôi dạy con cái sẽ không hiệu quả nếu cha mẹ không có mối tương quan tốt với con cái.
Ví dụ: hiệu quả của phương pháp Time-out phổ biến chỉ đạt được khi dựa trên ý tưởng rằng đứa trẻ không muốn xa bạn. Nếu mối tương quan của bạn với con trở nên xấu đi đến mức trẻ thà xa bạn hơn là ở bên bạn, thì phương pháp Time-out lúc ấy trở thành phần thưởng chứ không phải là hình phạt đối với một hành vi xấu. Do đó, điều nghịch lý là, bạn càng sử dụng phương pháp Time-out thì hành vi của trẻ càng trở nên tồi tệ hơn.
Nếu bạn thấy rằng các phương pháp truyền thống này của mình không hiệu quả, thì có lẽ, đã đến lúc bạn nên dừng lại và tập trung vào việc phát triển mối tương quan với trẻ. Để làm điều này, bạn hãy dành thời gian riêng với trẻ mà không tập trung vào việc sửa lỗi hoặc dạy dỗ, mà có thể là cùng chơi một trò chơi mà trẻ thích hoặc chơi giỏi, hoặc làm một dự án mà trẻ cần bạn giúp đỡ,… chủ đích là để có sự tương tác và gắn kết.
Bạn sẽ thấy rằng khi mối tương quan của bạn với trẻ ở một vị trí tốt hơn, thì hầu như bất kỳ phương pháp nào bạn sử dụng cũng đều sẽ mang lại hiệu quả hơn.
2. Các phương pháp hiệu quả có thể áp dụng ngay.
Để đạt hiệu quả, một phương pháp phải là điều bạn có thể thực hiện ngay, vì nếu không thể áp dụng ngay lập tức, thì đó không còn là một phương pháp, mà chỉ là một lời đe dọa. Các lời đe dọa thường là nhân tố thúc đẩy rất yếu kém.
Một cách cụ thể, thay vì nói với trẻ rằng: “Nếu con không nghe lời, thì mẹ sẽ mang X đi” (một lời đe dọa) thì bạn hãy chỉ đơn giản là lấy X đi ngay lúc đó.
Ví dụ; Nếu đang nói điều gì đó, mà bạn nhận ra là trẻ đang phớt lờ bạn và chỉ tập trung vào màn hình, lúc ấy, bạn không cần phí lời để nói rằng: “Mẹ sẽ tắt Tivi nếu con không bắt đầu lắng nghe mẹ nói“, nhưng bạn chỉ cần bước tới và tắt Tivi đi. Tức thì, trẻ sẽ tập trung sự chú ý vào bạn. Sau đó, bạn có thể tuỳ nghi quyết định bật lại Tivi khi nói chuyện với trẻ xong.
Vấn đề chúng ta cần nhớ là, một hệ quả không xảy ra ngay thì sẽ không có kết quả nào cả. Đừng lãng phí thời gian với những lời đe dọa, trái lại, hãy tập trung vào những phương pháp mà bạn có thể áp dụng ngay lập tức.
3. Những phương pháp hiệu quả đều có thể thực hiện dễ dàng và nhất quán
Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, có rất nhiều kỹ năng nuôi dạy con cái là những ý tưởng tuyệt vời trên lý thuyết nhưng lại có xu hướng thất bại khi áp dụng.
Ví dụ: phương pháp dùng biểu đồ đánh giá bằng “sao” hoặc “thu tích điểm” mỗi khi trẻ có hành vi tốt. Đây là cách thế rất hay về mặt lý thuyết, và có hiệu quả nếu bạn sử dụng với một đứa trẻ, cho một vấn đề, và trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng sẽ rất khó theo kịp, khi áp dụng cho nhiều vấn đề và với nhiều trẻ.
Phương pháp tốt nhất là những phương pháp có thể áp dụng cách dễ dàng và nhất quán. Đừng phí thời gian với những kỹ thuật đòi hỏi quá nhiều nỗ lực để thực hiện và duy trì.
4. Những phương pháp hiệu quả giúp chỉ ra được điều tích cực ngược lại với điều xấu.
Những phương pháp hiệu quả không chỉ đơn thuần tập trung vào việc ngăn chặn hành vi xấu mà còn dạy “điều tích cực ngược lại” (nghĩa là hành vi mong muốn mà cha mẹ muốn thay thế hành vi tiêu cực). Không ít lần, cha mẹ hình dung rằng nếu họ làm đủ tốt để ngăn chặn hành vi xấu, thì hành vi tốt sẽ tự nhiên nảy sinh ở đúng vị trí của nó. Con người có xu hướng không làm theo cách đó. Nếu một đứa trẻ cư xử không đúng mực, đó là vì trẻ không biết phải làm gì thay vào đó, hoặc không biết làm điều mà trẻ biết là đúng trong hoàn cảnh cụ thể này như thế nào, hoặc khi trẻ bị những cảm xúc cụ thể đó lấn át. Để đạt hiệu quả, cha mẹ cần dạy trẻ phải làm gì để thay thế hoặc làm thế nào để thành công trong việc thực hiện hành vi thay thế trong bối cảnh này.
Đây là lúc phương pháp dùng hình phạt như la mắng hoặc đánh đòn trở thành phản tác dụng. Phương pháp này ngăn chặn hành vi xấu, nhưng không làm gì để dạy những kỹ năng mới. Cuối cùng, một số trẻ sẽ tự tìm ra những việc cần làm nhưng nhiều trẻ khác sẽ ngừng cố gắng. Những đứa trẻ ngừng cố gắng rốt cuộc sẽ trở nên miễn nhiễm với hậu quả hoặc hình phạt.
Bạn cần nhớ rằng: Bảo một đứa trẻ phải làm gì là chưa đủ. Chẳng hạn, khi còn nhỏ, tôi gặp khó khăn với môn toán. Có rất nhiều giáo viên bảo tôi phải làm gì, tôi đều không thể hiểu được, mãi cho đến khi có ai đó hướng dẫn tôi từng bước, lặp đi lặp lại, và dạy tôi cách sử dụng cùng công thức nhưng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau.
Điều tương tự cũng đúng với một số trẻ em và hành vi. Sử dụng các kỹ thuật không chỉ ngăn chặn hành vi xấu mà còn dạy cách thực hiện từng bước “điều tích cực ngược lại” trong nhiều ngữ cảnh khác nhau là cách tốt nhất để đảm bảo rằng bạn không lãng phí năng lượng nuôi dạy con cái của mình.
***
Nuôi dạy con cái nên người, và nhất là trở thành Kitô hữu đích thực không chỉ là bổn phận mà còn là thiên chức, là ân ban của bậc cha mẹ. Những gợi ý trên đây, hy vọng sẽ giúp phần nào trong việc nuôi dạy trẻ dễ dàng hơn, để dù trong bất kỳ tình huống nào, những phương pháp này vẫn luôn được đặt nền trên tình yêu thương và hướng tới sự tích cực.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholiceducation.org
[1] Time-out là phương pháp dạy trẻ không đòn roi, nhưng là tách trẻ ra khỏi tình huống gây phiền nhiễu. Mục đích là giúp trẻ trấn tĩnh, nhận ra đúng – sai để không tiếp tục phạm lỗi.
Ví dụ: Bạn sẽ không nói chuyện với con trong suốt thời gian time-out. Sau khi time-out kết thúc, bạn sẽ giải thích rõ hơn tại sao trẻ bị time-out, và làm sao để lần sau trẻ không bị như vậy nữa.
Thực ra, cách phạt úp mặt vào tường, phạt quỳ gối hoặc phạt đứng trong góc nhà mà chúng ta thường áp dụng cũng là một cách thức của hình phạt time-out.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
Th12
Ý nghĩa của hành hương Năm thánh?
Th12
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo
Th12
Cửa Thánh: Nguồn Gốc, Lịch Sử, Ý Nghĩa Và Việc Mở Cửa Thánh
Th12
Trực Tiếp Sứ Điệp Giáng Sinh Năm 2024 Và Phép Lành Toàn Xá..
Th12
Đức Thánh Cha Chủ Sự Nghi Thức Mở Cửa Thánh Đền Thờ Thánh..
Th12
Ngày 26-12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi
Th12
Đức cha Louis chủ sự đại lễ Giáng sinh tại Nhà thờ Chính..
Th12
Chuyến mục vụ của Đức cha Louis trước đại lễ Giáng Sinh
Th12
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12