Phỏng vấn Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh về Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang

1839 lượt xem

Kính thưa quý độc giả,

Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Huế, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã công bố ngày 16 tháng 10 năm 2020 sắp đến sẽ khánh thành Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang, là nơi không những con dân nước Việt mà toàn thế giới thường hướng về, khẩn cầu Đức Mẹ trong những khi cuộc đời gặp sóng gió thử thách hay yếu đau bệnh tật; nơi mà cả những người lương dân khắp mọi nơi trên mặt đất tìm về bên Mẹ để xin chữa lành và ban ơn; nơi mà lâu nay rất nhiều tấm lòng quảng đại trong nước cũng như hải ngoại, góp công góp của, hy sinh âm thầm để trợ giúp công việc xây dựng được sớm hoàn thành. Đây là ngày nói lên niềm vui không chỉ của con cái trong Tổng Giáo phận Huế, mà còn là niềm vui chung của mọi người trên khắp thế giới, bất kể lương giáo có lòng tin yêu và tôn kính Đức Mẹ.

Ban Biên tập Website Tổng Giáo phận Huế chúng tôi muốn quý độc giả biết thêm một số thông tin cần thiết về sự kiện này. Kính mời quý độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn của Ban Truyền thông TGP Huế với Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh.

PV: Trọng kính Đức Tổng Giuse, với tư cách là Chủ tịch HĐGMVN và Tổng Giám mục Huế, Đức Tổng đã thông báo thời gian khánh thành Vương Cung Thánh Đường Thánh Mẫu La Vang toàn quốc vào tháng 10.2020, vậy xin Đức Tổng cho mọi thành phần dân Chúa biết thêm thông tin về biến cố này không ạ?

Đức TGM Giuse: Vương cung Thánh Đường La Vang có một lịch sử lâu đời. Đức Mẹ hiện ra tại đây năm 1798, thời vua Cảnh Thịnh. Nhưng mãi đến năm 1862, họ đạo La Vang mới được thành lập với một vài nhà nguyện nhỏ bằng gỗ và lá. Năm 1886, Đức Cha Gaspar đã cho xây dựng một ngôi nhà thờ mới bằng ngói và, sau 15 năm thi công, được khánh thành năm năm 1901, với tước hiệu Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu. Đó cũng chính là đại hội Thánh Mẫu La Vang lần thứ nhất.

Năm 1923, nhận thấy nhà thờ cũ đã xuống cấp, lại chỉ chứa được khoảng 200 người, Đức Cha Allys đã truyền xây một nhà thờ mới rộng rãi và khang trang hơn, và đã cử hành lễ cung hiến năm 1928.

Năm 1961, Hội đồng Giám mục Nam Việt Nam đã đồng thanh quyết định đặt La Vang làm Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc. Cũng trong năm ấy, nhà thờ La Vang được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường.

Năm 1972, Vương Cung Thánh Đường bị bom đạn phá huỷ hầu như hoàn toàn, chỉ còn lại duy nhất một tháp chuông vẫn tồn tại đến ngày nay.

Năm 1975, hầu hết diện tích 23 ha đất La Vang được trưng dụng vào nông nghiệp. Năm 2008, chính quyền tỉnh Quảng Trị trao lại 21 ha để La Vang sử dụng vào việc tôn giáo. Ngay sau đó, Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã lên kế hoạch kiến thiết và ngày 15/08/2012 đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường.

Tám năm ròng rã đã trôi qua, công cuộc xây dựng đã dần kết thúc. Lễ cung hiến Vương Cung Thánh Đường La Vang đã được ấn định vào ngày 16/10/2020. Có hai lý do giải thích tại sao chọn ngày đó để làm lễ cung hiến:

1. Hàng năm, Hội Đồng Giám mục có hai kỳ họp thường niên: kỳ I vào tháng tư, kỳ II vào tháng 10. Mỗi lần họp ở một địa điểm khác nhau. Năm nay, 2020, sở dĩ Hội đồng Giám mục chọn Huế làm nơi họp thường niên kỳ II là để đánh dấu biến cố lịch sử: khánh thành Vương Cung Thánh Đường La Vang. Càng ý nghĩa hơn nữa khi 2020 cũng là năm kỷ niệm 60 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (1960).

2. Năm nay cũng là năm thánh kỷ niệm 170 năm thành lập Tổng Giáo phận huế. Lễ Khai mạc đã được long trọng cử hành ngày 01/01/2020 tại Nhà thờ Chính toà Phủ Cam. Đại gia đình Dân Chúa tổng giáo phận Huế sẽ rất vui mừng được đón tiếp Hội Đồng Giám mục Việt Nam về chia sẻ niềm vui nên cũng đã chọn ngày 16/10/2020 làm ngày bế mạc.

PV: Trong dịp khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 170 năm thành lập Giáo phận Huế, Đức Tổng đã ký sắc lệnh chọn Đức Mẹ La Vang làm Bổn mạng Tổng Giáo phận. Xin Đức Tổng cho biết đâu là định hướng thiêng liêng của Đức Tổng về quyết định này cho Giáo phận nhà không ạ?

Đức TGM Giuse: Rất nhiều người nhìn nhận rằng hiện nay La Vang là trung tâm hành hương lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. “Lớn” ở đây không chỉ có nghĩa là lớn về không gian hay cơ sở. “Lớn” ở đây còn mang một ý nghĩa về lòng yêu mến. Nói cho dễ hiểu hơn, Đức Mẹ La Vang giữ một chỗ đứng quan trọng trong tâm hồn đại đa số giáo hữu Việt Nam. Có thể nói được rằng đã là Kitô hữu Việt Nam, không ai là không yêu mến Mẹ La Vang.

Tuy nhiên xét một cách thực tế, về khoảng cách không gian, giáo hữu tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị có cái diễm phúc được gần gũi Mẹ nhất. Vì thế, tôi tin rằng chọn Mẹ La Vang làm Bổn Mạng là điều phù hợp với lòng mong đợi tha thiết của mọi người con Tổng Giáo Phận Huế. Còn gì đẹp hơn khi linh địa La Vang không chỉ là một vùng lãnh thổ giới hạn. Với tình con thảo của những người con đã chọn Mẹ làm Bổn Mạng, toàn thể lãnh thổ Tổng Giáo phận Huế biến thành linh địa La Vang.

PV: Trong quá trình xây dựng cho đến hoàn thành, với tư cách là Chủ tịch HĐGMVN và là Tổng Giám mục Huế, xin Đức Tổng chia sẻ cho chúng con một vài tâm tư liên quan đến cách thực hiện công trình lịch sử này?

Đức TGM Giuse: Trong tư cách Chủ tịch và Tổng Giám mục Huế, tôi chỉ là người đại diện, chỉ là người thực hiện ý muốn của Hội Đồng Giám mục. Chính Hội Đồng Giám mục mới là chủ đầu tư đích thực và tối cao của Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang. Đây là một điều rất ý nghĩa, đó là  chính các vị chủ chăn thượng cấp của Giáo Hội Việt Nam, qua công trình này, thể hiện vai trò dẫn đầu toàn thể Dân Chúa trong việc sùng kính ái mộ Đức Mẹ La Vang.

Càng ý nghĩa hơn nữa, công trình La Vang chẳng những do Hội đồng Giám mục chủ trì, nhưng còn là nơi kết tụ sự đóng góp, lòng quảng đại của Dân Chúa khắp nơi, quốc nội cũng như hải ngoại. Trong tâm tình đó, La Vang trở thành không gian của tình hiệp thông toàn diện giữa chủ chăn với nhau và với đoàn chiên, giữa con chiên với nhau và với chủ chan. Hơn bất kỳ đâu, La Vang là nơi thể hiện cách rõ nét nhất chân lý mỗi người Kitô hữu Việt Nam là một viên đá sống động xây dựng mái nhà chung của Mẹ.

Công trình này, dù chưa hoàn thành, cũng được rất nhiều người ngoài Công giáo tham quan, thưởng lãm và thể hiện tình liên đới xã hội giữa những người không cùng niềm tin tôn giáo với người có đạo. Đức Mẹ La Vang là Mẹ của mọi dân mọi nước không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ hay màu da.

PV: La Vang  là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc và quốc tế nữa, trong viễn cảnh này,  theo Đức Tổng, đâu là thao thức hay định hướng  của Trung Tâm này trong tương lai đối với Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội hoàn vũ trong việc thể hiện lòng tôn sùng, hiếu thảo và yêu mến Đức Mẹ La Vang?  

Đức TGM Giuse: Càng ngày La Vang càng được thăm viếng nhiều hơn. La Vang đã trở thành điểm tới của các công ty du lịch quốc nội và hải ngoại. La Vang là một chặng không thể thiếu trong lộ trình tham quan Việt Nam của các phái đoàn công giáo nước ngoài, thậm chí của các nhóm lương dân. La Vang là địa chỉ thân thương của các đoàn Công giáo Việt Kiều hồi hương. La Vang là điểm hẹn hàng năm của biết bao cộng đoàn dòng tu, giáo xứ, phong trào, đoàn thể, ngành giới. Đối với rất nhiều Kitô hữu Việt Nam, lâu lâu không đến La Vang là không thể an tâm.

Đó là một hứa hẹn rất lớn cho La Vang và là một động lực thúc đẩy Hội Đồng Giám mục Việt Nam cũng như Tổng Giáo phận Huế nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của mọi thành phần yêu mến La Vang.

Căn cứ vào diễn biến đầy tích cực đó, tôi nghĩ rằng La Vang là nơi lý tưởng để hun đúc và tăng cường lòng yêu mến Đức Mẹ, là nơi con cái bốn phương của Mẹ về để bồi dưỡng qua các khoá tĩnh tâm, đào tạo, tu nghiệp.

Vì thế sau Vương Cung Thánh Đường, quần thể còn lại sẽ được thiết kế cho viễn ảnh La Vang sẽ là một trung tâm Thánh Mẫu của Á Châu, của thế giới và của mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam.

PV: Chúng con xin chân thành cám ơn Đức TGM Giuse.

Ban Truyền Thông TGP Huế thực hiện

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận