Tuyên xưng Chân lý Kitô giáo trong một thế giới đa nguyên theo quan điểm của Đức Bênêđictô XVI

1510 lượt xem

[…]

Có lẽ đó là bộ mặt của Hồng y Ratzinger còn lưu lại trong ký ức của nhiều người. Tuy nhiên, từ khi được bầu làm giáo hoàng, người ta mới khám phá rằng ngài là con người dễ thương và hơi nhát. Gọi là nhát, nhưng ai cũng phải phục ngài ở chỗ dám đứng ở một vị thế chẳng có cảm tình, đó là phải bảo vệ chân lý đức tin, và đôi khi buộc lòng phải dùng những biện pháp cứng rắn, chẳng hạn như cảnh cáo nếu chưa đến nỗi cách chức các giáo sư, các nhà thần học. Dù sao, từ khi Hồng y Ratzinger được bầu làm giáo hoàng, người ta mới chịu khó đi lục lọi các tác phẩm ngài đã viết khi đứng đầu bộ Giáo lý đức tin và đã có một cái nhìn mới về đường lối của ngài. Ngài không phải là một người chỉ ngồi trong văn phòng để nghiên cứu những sai lầm của các nhà thần học, nhưng còn đi diễn thuyết đây đó ; ngài không chỉ nói với các giám mục, và còn với các đại học quốc gia, các nhà chính trị, các triết gia ngoài Kitô giáo, đó là chưa kể nhiều bài phỏng vấn dành cho các ký giả. Dĩ nhiên, nội dung của những buổi gặp gỡ đó không thể nào là đấu khẩu tranh biện, nhưng là để trình bày cho thấy Kitô giáo góp phần như thế nào vào cuộc xây dựng nhân loại : phải chăng Kitô giáo chỉ là một tiếng nói trên diễn đàn dư luận, hay Kitô giáo còn thực sự mang lại chân lý cho con người thời nay, con người xét như là cá nhân cũng như xét như gia đình nhân loại? Đó cũng là đề tài của buổi thuyết trình hôm nay, dưới tựa đề “Tuyên xưng chân lý Kitô giáo trong một thế giới đa nguyên, theo quan điểm của đức Bênêđictô XVI”, tuy rằng trên thực tế, như vừa nói, chúng ta sẽ chỉ nghiên cứu tư tưởng của ngài trong thời gian giữ chức vụ Tổng trưởng bộ Giáo lý đức tin[1]. 

Sau khi giới thiệu thư mục, chúng tôi xin trình bày ba phần như sau:

I. Trong phần thứ nhất, chúng ta hãy rảo qua tình trạng đa nguyên trong thế giới hôm nay: đa nguyên văn hoá, tín ngưỡng, chính trị, luân lý, với những yêu sách của nó.

II. Sang phần thứ hai, chúng ta sẽ phân tích những lý thuyết phủ nhận chân lý, và hậu nhiên, chống lại tham vọng của Kitô giáo muốn phát biểu chân lý.

III. Phần thứ ba được dành cho việc trả lời các vấn nạn : chân lý là gì? có thể có chân lý không? phải hiểu chân lý Kitô giáo như thế nào? việc tuyên xưng chân lý có trái nghịch với thái độ đối thoại không? tuyên xưng chân lý Kitô giáo như thế nào?

Hy vọng câu trả lời sẽ mang lại một hứng khởi cho niên học mới, sao cho chân lý trở nên đối tượng của học hỏi cũng như yêu mến và hành động. 

Thư tịch

Chúng tôi chỉ xin giới hạn phạm vi khảo sát vào mười bài phát biểu của Hồng y Ratzinger.

  1. Hội thảo với các chủ tịch uỷ ban đạo lý thuộc các hội đồng giám mục Á châu, (Hongkong, tháng 3/1993).
  2. Hội thảo với các chủ tịch uỷ ban đạo lý thuộc các hội đồng giám mục Mỹ châu latinh (Guadalajara, tháng 5/1996).
  3. “Tự do và chân lý”, bài viết trên tạp chí “Studi cattolici” ở Ý số 430 (tháng 12/1996).
  4. Đối thoại giữa các tôn giáo và tuơng quan giữa đạo Do thái và đạo Kitô. Thuyết trình tại Académie des Sciences Morales et Politiques, Paris (1997), đăng trên Internationale Katholische Zeitschrift Communio 26 (1997), pp. 419-429.
  5. “Chân lý Kitô giáo?”. Thuyết trình tại đại học Sorbonne (27/11/1999).
  6. “Chân lý ở đâu?”. Trao đổi với triết gia Vittorio Possenti (Bressanone, hè 2001), đăng trên nhật báo “Avvenire” 11/5/2005.
  7. “Loan báo đức Kitô và đối thoại tôn giáo”. Gặp gỡ các ký giả tại đại học San Antonio, Murcia, Tây-ban-nha (30/11/2002).
  8. “Tôn giáo dân sự và những vấn đề luân lý”. Thuyết trình tại Thượng viện Italia (13/5/2004).
  9. “Cuộc khủng hoảng văn hoá tại châu Au”. Thuyết trình tại đan viện Subiaco (1/4/2005 : một ngày trước khi đức Gioan Phaolô II băng hà).
  10. Bài giảng Thánh lễ khai mạc Mật hội bầu giáo hoàng (18/4/2005).

Nguyên văn có thể tìm trên mạng internet ở các địa chỉ sau : 

  1. Tiếng Ý : – Amici di Ratzinger : www.ratzinger.it ; – www.zenit.org (tiếng Ý, click vào ratzinger).
  2. Tiếng Anh : – www.crossroadsinitiative.com/library_author/114/cardinalRatzinger (Địa chỉ này cung cấp hai thư tịch các sách và bài viết của giáo sư và hồng y Ratzinger); – www.catholicculture.org (vào library, rồi “list of authors” : Ratzinger)

Như quý vị có thể nhận thấy, các bài thuyết trình này được trình bày trong những bối cảnh khác nhau: với các giám mục, với các nhà chính trị, với các nhà trí thức. Thiết tưởng cũng nên ghi nhận thêm khung cảnh địa lý của chúng : với các giám mục Á châu (mang mối quan tâm đến việc đối thoại với các tôn giáo và văn hoá), với các giám mục Mỹ châu latinh (thần học giải phóng), nhưng phần lớn là trao đổi về những vấn đề của Âu châu (với các trào lưu bài tôn giáo, được biểu lộ qua dự thảo hiến pháp của lục địa này).

I. Tình trạng đa nguyên trong thế giới hiện đại

Ở Việt Nam, có lẽ nhiều người thường gắn “đa nguyên” với chế độ chính trị : họ ước mong một chính sách “dân chủ đa nguyên” thay cho một chế độ độc đảng như hiện nay. Tuy nhiên, nếu xét kỹ hơn, tính cách đa nguyên có thể áp dụng vào nhiều lãnh vực khác nữa. Chúng ta không thể bỏ qua sự kiện là trên lãnh thổ của nước Việt Nam có đến 54 dân tộc, nghĩa là 54 văn hóa ngôn ngữ. Mặt khác, riêng về khía cạnh tôn giáo, chúng ta đã quá quen thuộc với từ “tam giáo hoà đồng” (Khổng – Nho – Phật), không ai chiếm địa vị độc tôn. Từ nước Việt Nam, nếu chúng ta nhìn ra thế giới, chắc chắn tầm áp dụng lãnh vực đa nguyên còn rộng hơn nhiều. Chúng tôi chỉ giới hạn vào ba lãnh vực thường được đức hồng y Ratzinger nhắc đến như là chống lại chủ trương độc quyền nắm giữ chân lý của Kitô giáo : đa nguyên văn hoá tôn giáo, đa nguyên chính trị, đa nguyên luân lý.

A. Đa nguyên tôn giáo

1/ Nhìn từ góc độ Á châu, có lẽ sự đa nguyên tôn giáo dễ nhận ra hơn cả. Trên thế giới này có nhiều tôn giáo. Điều này chứng tỏ rằng chưa tôn giáo nào nắm vững được chân lý có sức thuyết phục hết mọi người : mỗi tôn giáo chỉ khám phá ra một góc cạnh của chân lý mà thôi. 

Chúng ta đã hơn một lần nghe kể điển tích những anh mù sờ voi. Một nhà vua cho mời các anh mù đến dinh, và cho họ sờ một con voi. Anh thì sờ cái tai, anh sờ ngà, vòi, chân, đuôi. Sau đó nhà vua hỏi ý kiến của họ về con voi. Mỗi người mô tả con voi một cách, tuỳ theo cảm giác của mình : con voi giống như cái thúng, giống như cái bình, giống như cái chổi, giống như cột đình, v.v… Điều tức cười là anh nào cũng khăng khăng bảo rằng chỉ có nhận định của mình là đúng, và bài xích các ý kiến ngược lại. Đến lúc nào đó, họ mất tự chủ, từ chỗ đấu khẩu quay sang đấm đá nhau. Lúc ấy nhà vua mới lên tiếng : “Này các anh, các anh đã quên rằng mình là người mù : mỗi người chỉ rờ được một phần của con voi, chứ đâu có ai thấy được tất cả con voi đâu?” 

Bài học. Đứng trước mầu nhiệm của Vô biên, chúng ta chỉ là những tên mù. Không ai nắm vững chân lý hoàn toàn ; mỗi người chỉ khám phá được một góc cạnh nhỏ bé. Chúng ta hãy đối thoại với nhau để cùng truy tầm chân lý, chứ đừng ngạo nghễ tự hào mình biết hết chân lý, rồi lên mặt chê bai người khác. Tệ hơn nữa, thái độ nắm chắc chân lý sẽ đưa đến bất bao dung, dẫn tới chiến tranh tôn giáo[2]

2/ Ngoài lập luận vừa rồi, còn một lý luận nữa nhằm riêng đến Kitô giáo : Kitô giáo chỉ là một sản phẩm của văn hoá châu Âu. Làm thế nào lại đòi mang tính cách phổ quát cho hết mọi dân tộc được? Nên biết là vấn nạn này không do một triết gia Á châu đặt ra, nhưng là ông Ernst Troeltsch, một giáo sư Tin lành người Đức vào đầu thế kỷ XX (trích dẫn ở bài số 5). Gần đây, hai tác giả John Hick và Paul Knitter cũng cho rằng Đấng Tuyệt đối không thể nào xuất hiện hoàn toàn nơi đức Giêsu Nadaret, một con người lịch sử được (bài số 2).

B. Đa nguyên chính trị

Có một tôn giáo chung cho toàn châu Á hay không? Câu trả lời dứt khoát là không. Câu chuyện các anh mù sờ voi phát xuất từ châu Á, khác với châu Âu, nơi mà Kitô giáo vốn giữ vai trò độc tôn. Thế nhưng tình hình ngày nay tại châu Âu đã thay đổi rất nhiều. 

Châu Âu cũng phải chấp nhận một thứ đa nguyên tôn giáo, bởi vì trên đại lục này, con số những tín đồ ngoài Kitô giáo ngày càng gia tăng, cách riêng là các tín đồ Hồi giáo. Tuy nhiên, nếu tình trạng đa nguyên tôn giáo xem ra còn mới mẻ, nhưng châu Âu đã có một kinh nghiệm khác về đa nguyên, tạm đặt tên là “đa nguyên chính trị”. 

Từ thế kỷ XVIII, các quốc gia Âu châu đã bước sang chính thể dân chủ : luật pháp do quốc hội (cơ quan đại diện cho nhân dân) biểu quyết theo sự thỏa thuận của đa số, chứ không do một quyền bính nào từ trên cao ban bố, dù là nhà vua hay là giáo hoàng, nhất là từ khi nguyên tắc phân chia Đạo – Đời (tôn giáo / chính trị) đã được chấp nhận.

C. Đa nguyên luân lý

Bước tiến từ đa nguyên chính trị sang đa nguyên luân lý không xa lắm. Việc sống chung trong xã hội đòi hỏi rằng không ai được phép áp đặt quan điểm của mình lên trên người khác. Nhà nước không được phép áp đặt một chủ nghĩa, một ý thức hệ lên toàn thể nhân dân. Các công dân đều được hưởng quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng. Vì thế, không tôn giáo nào được phép giữ vị thế độc tôn. Tôn giáo là chuyện cá nhân, tư riêng của mỗi người. Chính quyền phải tạo ra mọi điều kiện để cho tất cả mọi công dân đều được đối xử ngang hàng với nhau, không phân biệt phái tính, màu da, ngôn ngữ, và dĩ nhiên càng không phân biệt quan điểm chính trị (đầu óc tư bản hay mác xít) và nếp sống (hôn nhân đồng tính hay dị tính). Nhà Nước phải bảo đảm tối đa quyền tự do của công dân, đặc biệt là tự do tư tưởng. Nên biết là lãnh vực áp dụng của nguyên tắc này rất khác biệt tuỳ nơi tuỳ thời. Nếu ở Việt Nam, chúng ta mong muốn rằng Nhà Nước đừng xen vào chuyện nội bộ các tôn giáo, và nếu ở các quốc gia Hồi giáo, người tín hữu Kitô ước mong Nhà Nước đừng áp đặt luật Coran cho hết mọi người, thì tại các quốc gia châu Âu, nguyên tắc này có nghĩa là quốc hội có quyền biểu quyết luật phá thai, luật trợ tử, luật hôn nhân đồng tính luyến ái, bởi vì những điều này chỉ là xấu đối với luân lý Kitô giáo mà thôi, chứ không thể nào ràng buộc hết mọi công dân.

II. Những chủ thuyết chống lại chân lý

Trong phần thứ nhất, chúng ta điểm qua tình hình đa nguyên trong thế giới hiện đại. Tình trạng đa nguyên không chỉ là một hiện tượng mà còn là một đòi hỏi của cuộc sống chung trong xã hội (dù đó là xã hội quốc gia hay xã hội của của cộng đoàn nhân loại). 

Nhận xét vừa rồi đòi buộc Kitô giáo phải xét lại lập trường của mình vốn tự hào là nắm vững chân lý. Thế nhưng còn có những chủ trương đi xa hơn nữa, đòi hỏi Kitô giáo phải loại trừ hoàn toàn mọi tham vọng truyền giảng chân lý, lý do bởi vì trên đời này làm gì có chân lý. Việc rao truyền chân lý vừa mang tính bịp bợm vừa trái ngược với phẩm giá con người. Thực vậy, xét về mặt lý thuyết, có hai chủ trương chống lại chân lý Kitô giáo : 1/ thuyết tương đối : không có chân lý ; 2/ thuyết nhân quyền: chân lý đi ngược với tự do. 

Đức hồng y Ratzinger chú ý đến lịch sử tư tưởng của châu Âu. Tuy nhiên, chúng ta đừng nên quên rằng những thuyết này đã ảnh hưởng đến tất cả văn hoá của thế giới hiện nay, dù theo chủ nghĩa dân chủ tự do, hay chủ nghĩa mác-xít, và tệ hơn nữa, chịu ảnh hưởng của trào lưu thực dụng.

A. Thuyết tương đối : không có chân lý tuyệt đối

1. Lịch sử vấn đề. Những thuyết hoài nghi đã nảy sinh từ lâu đời nơi các triết gia Hy-La, nhưng nói được là chỉ dừng lại trong phạm vi lý thuyết. Vào thời cận đại, thuyết tương đối không chỉ nằm trên bình diện siêu hình (không có chân lý) nhưng còn mang theo hệ luận đến tôn giáo nữa (tôn giáo không thể nào có chân lý). 

Tiến trình này có thể tóm tắt như sau. Triết gia Emmanuel Kant phân biệt giữa lý trí thuần tuý và lý trí thực tiễn. Lý trí thuần tuý chỉ có thể đạt tới các hiện tượng (phenomenon) chứ không đạt tới các chân lý siêu hình tựa như bản tính (noumenon). Thiên Chúa vượt quá khả năng của lý trí, và được coi như thỉnh đề của lý trí thực tiễn (luân lý). Dựa trên tiền đề này, các thế hệ tiếp theo Kant cho rằng Thiên Chúa và tôn giáo không còn thuộc lãnh vực của lý trí nữa. Tôn giáo là chuyện của tình cảm, chứ không phải của lý trí. Từ đó, vai trò tuyệt đối của Thiên Chúa sẽ được chuyển sang cho Tinh thần (theo Hegel) hay Tiến hoá lịch sử (theo Marx). Thiên Chúa đã bị loại ra khỏi thế giới. 

2. Như vậy cuộc cách mạng tư tưởng thứ nhất loại Thiên Chúa ra khỏi triết học. Cuộc cách mạng tư tưởng thứ hai loại luôn cả triết học ra khỏi lý tri, dưới ảnh hưởng của thuyết ba thể trạng của ông Auguste Comte, nghĩa là ba trạng thái tiến triển của nhân loại : tôn giáo, triết học, khoa học. Tôn giáo và triết học (siêu hình) thuộc về quá khứ rồi, khi nhân loại còn ấu trĩ tìm cách giải thích vũ trụ bằng thần thoại và suy diễn. Bây giờ đã đến thời của khoa học thực nghiệm. Khoa học thực nghiệm dựa trên giả thuyết, thí nghiệm, kiểm chứng. Chuyện “đúng” hay “sai” không dựa trên lý luận, nhưng dựa trên kết quả. Cái gì làm được (khả thi) là đúng, cái gì bất khả thi là không đúng. Không có một giới hạn nào khác nữa được đặt ra cho các công cuộc thí nghiệm khoa học.

B. Thuyết nhân quyền : Chân lý là kẻ thù của tự do

Trong phương diện luân lý, ông Kant đã nhắn nhủ ta rằng : mình hãy làm theo điều thâm tín, chứ không phải vì tuân thủ một lệnh truyền. Tuy nhiên, ông Kant muốn nói đến những luật lệ do con người đặt ra (dù là Nhà Nước hay Giáo Hội). Dù sao, ông còn chấp nhận có Thiên Chúa, hay ít ra, là tin ở tính khách quan của lý trí. 

Về sau, những chủ thuyết tự do cảm hứng từ J.J. Rousseau thì dành cho lương tâm sự quyết định tuyệt đối. Mình quyết định theo thâm tín của mình, chứ không buộc theo quy tắc nào hết. Tự do mà còn bị ràng buộc bởi luật lệ thì còn gì là tự do? Jean Paul Sartre đã đẩy quan điểm tự do này đến cùng cực, một thứ tự do phi-lý-trí (Bài số 3). 

III. Chân lý Kitô giáo

Qua hai phần vừa trình bày, chúng ta thấy rằng ngày hôm nay việc tuyên xưng chân lý gặp trở ngại về thực hành là tình trạng đa nguyên, và về lý thuyết là thuyết tương đối. Trong phần thứ ba, chúng ta phải tìm cách trả lời cho câu hỏi : làm thế nào tuyên xưng chân lý Kitô giáo trong bối cảnh ấy? Câu trả lời khởi đầu từ khía cạnh lý thuyết, xét lại những khái niệm về chân lý và chân lý Kitô giáo, để đi đến khía cạnh thực hành : làm cách nào làm chứng cho chân lý Kitô giáo?

A. Chân lý là gì?

Hẳn chúng ta còn nhớ câu hỏi mà quan tổng trấn Philatô đặt cho Đức Giêsu : “Chân lý là gì?” (Ga 18,38). Câu hỏi còn bỏ ngỏ, không biết tại vì ông Philatô không muốn nghe, hay tại vì Chúa Giêsu không muốn đáp. 

Thoạt tiên, xem ra khó định nghĩa “chân lý là gì”[3] ; nhưng trên thực tế, nó đơn giản quá mức tưởng tượng. Thực vậy, khi ai nói rằng : “trên đời này không có chân lý” thì tối thiểu người đó mặc nhiên chấp nhận rằng có một chân lý, đó là “điều tôi nói là đúng” ! Quả vậy, đời nào ai lại la hét khản cổ : “tôi nói sai?” Ai cũng muốn được người khác nhìn nhận rằng “tôi nói đúng”, nghĩa là chân lý về phía tôi. Bởi vậy, nếu tôi nói rằng “trên đời này không có chân lý” tức là tôi tự mâu thuẫn với chính mình, chẳng khác gì nói rằng : “Thưa quý vị, trên đời này không có chân lý đâu, quý vị đừng nghe tôi làm gì cho mệt óc!”. 

Một cách tương tự như vậy, khi ai đó chủ trương rằng : “trên đời này không có cái gì là tuyệt đối ; tất cả đều là tương đối”, thì ông ta đã tự mâu thuẩn ở một điểm, đó là ông không dám nhận rằng cái thuyết tương đối của ông cũng chỉ có giá trị tương đối thôi, chứ làm sao tuyệt đối được ! Thực tế cho thấy rằng các nhà chủ trương thuyết tương đối đều muốn bắt buộc hết mọi người phải tuân theo định luật của họ, và như thế là họ đã tuyệt-đối-hoá cái thuyết tương đối[4]. 

Bước sang lãnh vực luân lý, khi ai chủ trương rằng tự do có nghĩa là mình muốn làm gì cũng được, bất cần chân lý, thì hãy coi chừng kẻo tự mâu thuẫn. Một đàng, chúng ta biết rằng khả năng của con người bị giới hạn, không ai có thể làm được bất cứ điều gì mình thích đâu ! Đàng khác, vì sống trong xã hội, tôi phải tìm cách dung hoà tự do của tôi với tự do của người khác : tôi phải tôn trọng tính mạng, tài sản của họ, chứ không thể nào tôi cứ tự tiện đòi giết người cướp của ; và dĩ nhiên tôi không muốn cho họ tự tiện ăn cướp hay giết tôi. Như vậy, gián tiếp tôi phải chấp nhận rằng cần có một quy luật ấn định điều tốt điều xấu, điều gì được phép làm và điều gì không được phép làm. Dựa vào đâu để xác định điều được phép và điều không được phép làm? Phải chăng dựa trên ý kiến của đa số, hay ý kiến của thiểu số nắm quyền lực? Kinh nghiệm đau thương dưới các chế độ độc tài cho thấy rằng những người phủ nhận chân lý không phải bởi vì họ muốn bảo vệ tự do của con người nhưng là để áp đặt ý thức hệ của họ. Chế độ phát-xít Đức tự cấp cho mình quyền sát sinh người Do thái, các chế độ mác-xít cũng tự ban cho mình quyền khai trừ những thành phần nào làm cản bước tiến của xã hội chủ nghĩa ; chế độ tư bản ngày nay cũng dành quyền khai trừ không những là những kẻ bị xếp vào hàng khủng bố, mà cả các thai nhi, các người già lão, vì những người này không có lợi gì cho nền kinh tế ! Nói khác đi, họ thay thế tiêu chuẩn lượng định hành vi, từ cái “đúng / sai”, sang chỗ “lợi / hại” : điều này có lợi hay có hại cho tôi? (Bài số 9). 

Chúng ta cũng biết rằng Hiến pháp các quốc gia dân chủ đều mở đầu bằng tuyên ngôn nhìn nhận các quyền tự do của công dân, hay còn gọi là “nhân quyền” hay “dân quyền”. Nhưng một câu hỏi thường được nêu lên mà không ai trả lời nổi là : nguồn gốc của nhân quyền do đâu mà có? Phải chăng là do Nhà nước ban cấp? Nếu Nhà Nước cấp nhân quyền thì Nhà Nước có quyền lấy lại. Nhưng nếu nhân quyền bắt nguồn từ một nguyên lý cao hơn Nhà Nước, thì chính nguyên lý đó sẽ phê phán hành vi của Nhà Nước. Nguyên lý đó được gọi là Công Lý, chẳng qua cũng là một danh xưng khác của Chân Lý mà thôi. 

Luôn tiện nên ghi nhận một sự phân tích của hồng y Ratzinger về nguồn gốc của thuyết mác-xít (trong bài thuyết trình số 3). Thuyết mác-xít phản ứng lại quan niệm tự do rừng rú của các nước tư bản, trong đó chỉ một thiểu số thống trị một đa số nghèo túng. Thuyết mác-xít chống lại tự do của thiểu số tư bản bằng cách đưa ra một quan niệm mới về tự do : tự do cho tất cả mọi người, tự do cho toàn thể nhân loại (một xã hội không giai cấp). Nhân dân phải vùng lên dành lại tự do. Chủ thể của tự do là nhân dân, là tập thể, vì thế các cá nhân cần biết hy sinh tự do của mình. Dù sao, chúng ta cũng đừng quên là trong quan điểm của Marx, đích điểm của cuộc tiến hoá lịch sử không phải là Thiên Chúa của các tôn giáo hay Tinh Thần của Hegel mà là Vật chất. Quy tắc hành động không do luân lý xác định, nhưng thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh thời thế (bài số 8). 

Những nhận xét vừa rồi buộc chúng ta phải nói ngược lại : con người có nhu cầu muốn biết chân lý, (cũng tựa như người mù mong tìm được ánh sáng) ; con người tự do cũng cần có một quy chuẩn xác định đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Con người khát khao chân lý, khát khao công lý. Liệu có thể tìm được chân lý không? Câu trả lời của Kitô giáo là : có, chân lý đã được Thiên Chúa trao tặng cho con người. Thiên Chúa đã mặc khải chân lý, đặc biệt nơi Đức Giêsu Kitô. Đến đây chúng ta bước mục kế tiếp : Chân lý Kitô giáo.

B. Chân lý Kitô giáo là gì?

Nói đến chân lý Kitô giáo, chắc rằng nhiều người liên tưởng ngay đến các tín điều, bộ sách Giáo lý Hội thánh Công giáo : tất cả chân lý nằm trong bộ sách đó rồi ; tất nhiên, ai không chấp nhận là sai lầm. Vấn đề không đơn giản như vậy. Kitô giáo không phải là một ý thức hệ hoặc một triết thuyết, nhưng là một tôn giáo. Chân lý Kitô giáo bao hàm nhiều khía cạnh. Trong bài thuyết trình tại đại học Sorbonne năm 1999 (bài số 5), hồng y Ratzinger lấy một thí dụ từ tác phẩm hộ giáo De vera religione (luận về đạo thật) của thánh Augustinô để phân tích chân lý Kitô giáo. 

1/ Trong tác phẩm này, thánh Augustinô đã đối chiếu Kitô giáo với ba thứ tôn giáo thịnh hành trong xã hội cổ thời (nghĩa là Hy-lạp La-mã), dựa theo sự phân tích ba hạng theologia của triết gia Rôma Marcus Terentius Varro (116-27 trước công nguyên) : theologia mythica, civilis (politica), naturalis (physica). 

a) Theologia mythica : tín ngưỡng thần thoại của các thi sĩ, được diễn tả qua nghệ thuật sân khấu. 

b) Theologia civilis : tín ngưỡng của nhân dân, nghĩa là tín ngưỡng dân gian, chú trọng đến các việc cúng tế hội hè. 

c) Theologia naturalis : các triết gia suy tư về bản chất các thần linh, khởi từ việc quan sát thiên nhiên (natura). Tuy nhiên đối với các triết gia, các thần linh chỉ là đối tượng của tư duy về nguồn gốc vũ trụ, chứ không đưa đến sự phụng thờ ; tệ hơn nữa, triết học có thể dẫn tới sự bài trừ các huyền thoại và các mê tín của nhân dân. 

Điều lý thú là thánh Augustinô xếp Kitô giáo vào loại thứ ba (theologia naturalis), bởi vì bao hàm sự mặc khải của Logos (chân lý, chứ không phải là huyền thoại) ; nhưng khác với các triết gia Hy-lạp, Kitô giáo còn hàm ngụ sự thờ phượng và đời sống luân lý nữa. Chính nhờ chân lý mà Kitô giáo có thể vượt lên các thần thoại, mê tín, và đón nhận tinh hoa của các tôn giáo khác. Kitô giáo là đạo thật bởi vì Thiên Chúa được mặc khải trong Cựu ước cũng là Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ mà các triết gia Hy-lạp tìm kiếm. Trước thánh Augustinô, thánh Giustinô, một triết gia trở lại đạo (+167), cũng đã trình bày Kitô giáo như một triết học, theo nghĩa là tôn giáo này không phải là thứ mê tín dị đoan, nhưng chứa đựng chân lý, có khả năng đối thoại với mọi người. Dù sao, Thiên Chúa của Kitô giáo khác với Thượng đế của triết học, bởi vì Ngài ở trên thế giới nhưng đồng thời Ngài đi vào lịch sử để gặp gỡ con người. Con người có thể gặp gỡ Ngài nhờ lòng tin và kinh nguyện. Thiên Chúa cũng cho con người biết điều gì là tốt. Kitô giáo bao hàm vừa chân lý, vừa phụng tự, vừa luân lý. 

2/ Hai năm trước đó (1997), trong bài thuyết trình trước Hàn lâm viện Tôn giáo và Luân lý tại Paris (bài số 4), hồng y Ratzinger dùng một mô hình khác để phân loại các tôn giáo hoàn cầu : các tôn giáo “hữu thần” (théiste) và “huyền bí” (mystique). 

Dĩ nhiên là Kitô giáo được xếp vào các tôn giáo “hữu thần”, nếu đối chiếu với các tôn giáo “huyền bí” của Ấn giáo. Thừa hưởng truyền thống Do thái, Kitô giáo tuyên xưng một Thiên Chúa khác biệt với vũ trụ. Điều này giúp cho con người không những có thể tiếp xúc đối thoại với ngài nhờ kinh nguyện, mà còn có thể gặp gỡ các thụ tạo khác (cách riêng là những con người khác), như là những chủ thể. Mặt khác, Kitô giáo không thiếu chiều kích huyền bí, bởi vì con người được kêu gọi quay về nội tâm của mình, cùng với việc thờ lạy mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa. Thực vậy, Kitô giáo đã có chân lý, nhưng chưa nắm hết chân lý sung mãn : Thiên Chúa vượt quá tầm mức hiểu biết và diễn tả của con người. 

3/ Như vậy, khi nói đến chân lý Kitô giáo, có thể hiểu về ba điểm căn bản như sau: 

a) Kitô giáo là một chân lý, một logos, chứ không phải là cảm tình vu vơ. Như sẽ thấy sau, đây là nền tảng cho cuộc đối thoại với mọi người, dù thuộc văn hoá hay tín ngưỡng nào đi nữa. Cuộc đối thoại dựa trên lý trí, nghĩa là bản tính con người : con người hãy gắng hành động hợp với lý trí, với lẽ thật (recta ratio). 

b) Kitô giáo mang một chân lý về Thiên Chúa : Thiên Chúa không đồng hoá với thiên nhiên, hay trật tự bất biến của vũ trụ. Thiên Chúa cũng không phải là một quyền lực hay thần linh thịnh nộ. Thiên Chúa đã mặc khải như một kẻ gần gũi với con người, như là một chủ thể mà tôi có thể thưa chuyện. Cách riêng, Thiên Chúa đã biểu lộ khuôn mặt đích thực của mình nơi đức Giêsu Kitô. Ngài không phải là một Thiên Chúa thống trị, nhưng là một Thiên Chúa yêu thương, khiêm hạ, phục vụ. Qua mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của đức Kitô, Thiên Chúa mang lấy những nỗi đau khổ của chúng ta, chia sẻ cuộc sống chúng ta, và mở đường cho con người đến sự sống vĩnh cửu (Bài số 7). 

c) Kitô giáo mang một chân lý về con người. Thiên Chúa tạo dựng con người vì yêu thương con người. Thiên Chúa dựng nên con người cho Thiên Chúa. Đây là nền tảng của phẩm giá con người : con người không phải là một dụng cụ được sản xuất cho một mục tiêu khác. Không ai được phép đối xử với người khác như một đồ vật thí nghiệm. Điều này không những đòi hỏi phải tôn trọng mạng sống con người, dù là bào thai hay người tàn tật, nhưng còn phải tôn trọng phẩm giá con người (loại trừ mọi thứ khai thác bóc lột). Đi xa hơn nữa, chân lý về con người đòi hỏi liên đới với những con người dốt nát, nghèo khổ, bệnh tật, tạo cho họ điều kiện sống xứng với nhân phẩm. 

Trên thực tế, lịch sử đã cho thấy chân lý về con người đã giúp bảo vệ những thành phần yếu ớt trong xã hội khỏi sự đàn áp của bạo quyền. Kitô giáo chủ trương rằng bên trên luật pháp của quốc gia còn có luật Trời nữa. Nhân phẩm của con người dựa trên bản tính con người, chứ không do xã hội ban cấp. 

Vì thế, khi mở rộng đến Thiên Chúa, con người mở rộng ra cõi vô biên (thay vì bị nhốt trong cái cũi của cái tôi), vươn đến chân lý và tình yêu tuyệt đối. Nói khác đi, chân lý không trái ngược với tự do, nhưng còn giúp cho con người sống tự do đích thực, bởi vì sống hòa hợp với lý tính của mình chứ không theo dục vọng. Lên cao hơn nữa, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho ta thấy thế nào là sống “tự do” đích thực : sống tự do có nghĩa là sống “cho” (Cha), sống “bởi” (Con), sống “với” (Thánh Thần) nhau (bài số 3).

C. Tuyên xưng chân lý và đối thoại

Kitô giáo vừa là chân lý, vừa là yêu thương, vừa là phụng thờ, vừa là hành động. Việc tuyên xưng chân lý Kitô giáo bao hàm nhiều lãnh vực, chứ không riêng gì khía cạnh trí thức hiểu biết. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ xin giới hạn vào một vấn đề : làm thế nào dung hoà tuyên xưng chân lý với đối thoại? 

Không ít người nghĩ rằng việc tuyên xưng chân lý làm cản trở cuộc đối thoại với các tôn giáo : nó đưa tới thái độ bất bao dung, cuồng tín. Hồng y Ratzinger đã hơn một lần trả lời cho vấn nạn này, đặc biệt khi bàn đến những cuộc xung đột hiện nay tại miền Trung đông. Nhiều người không ngần ngại đặt tên cho nó là một cuộc thánh chiến, hay một cuộc đụng độ giữa hai tôn giáo độc thần (Kitô giáo và Hồi giáo). Tuy nhiên, đây là một cái nhìn quá giản lược. Một đàng, ngay cả các lãnh tụ các quốc gia Hồi giáo cũng sợ những nhóm cuồng tín nữa. Đàng khác, đây không phải là cuộc đụng độ giữa Hồi giáo và Kitô giáo, nhưng là giữa những người muốn bảo vệ những giá trị văn hoá cổ truyền của Hồi giáo, chống lại chủ nghĩa duy vật vô thần (và vô luân) của Tây phương. (Chủ nghĩa duy vật vô thần nói đây không phải là chủ nghĩa mác xít cho bằng chủ nghĩa tục hoá và kỹ thuật của các nước tư bản). 

Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu “chân lý” theo đúng nghĩa của nó, thì nó không làm cản trở nhưng còn thăng tiến cuộc đối thoại tôn giáo. Thực vậy, đối thoại (dialogus, gốc Hy-lạp : dia-logos) giả thiết một sự trao đổi về logos. Mỗi bên phát biểu cái logos của mình, và lắng nghe bên kia. Kitô giáo không thể nào đối thoại nếu thiếu logos. Kitô giáo tin rằng mọi người đều muốn đi tìm logos, và sẵn sàng cởi mở đến logos, bởi vì xét cho cùng, logos phù hợp với bản tính và khát vọng của con người. 

Phần lớn các bài thuyết trình được trưng dẫn trong thư tịch nhằm đến cuộc đối thoại với những khuynh hướng vô tri vô thần tại châu Âu hơn là các cuộc đối thoại với các tôn giáo ở các đại lục khác. Tuy nhiên, thiết tưởng nên ghi nhận nhiều điều hữu ích cho chúng ta, những người sống tại Á châu (đặc biệt là các bài thuyết trình số 1 và số 4). 

Việc tuyên xưng chân lý Kitô giáo giúp cho công cuộc đối thoại (kể cả với người vô thần) bởi vì Kitô giáo có logos, nghĩa là có một học thuyết, một triết lý : điều này giúp cho chúng ta trao đổi với những người đang truy tầm chân lý. Giả như Kitô giáo chỉ là một mớ cảm nghiệm thần linh mà thôi, thì nó sẽ mang tính cách chủ quan, chứ không thể nào vươn đến tầm phổ quát được. 

Trên thực tế, trải qua lịch sử, Kitô giáo đã có khả năng đối thoại với các nền văn hoá thế giới. Kitô giáo không phải là một tôn giáo của châu Âu. Nó ra đời tại vùng Á châu, và trong những thế kỷ đầu tiên, nó phát triển mạnh tại Á châu cũng như tại Âu châu. Sự bành trướng Kitô giáo tại Á châu đã bị chặn lại khi miền này rơi vào tay Hồi giáo. Hơn thế nữa, chúng ta cũng đừng nên quên rằng Kinh thánh (Cựu ước và Tân ước) phản ánh vết tích của nhiều văn hoá khác nhau : Do thái, Ai cập, Hittit, Sumeria, Babylonia, Batư, Hylạp (bài thuyết trình số 1). 

Xét vì Kitô giáo là logos, chân lý, nó có khả năng để phê bình tôn giáo, tránh cho tôn giáo khỏi rơi vào tình trạng mê tín, cuồng tín. Sự phê bình này không chỉ nhắm đến các tôn giáo khác mà áp dụng ngay cả cho chính các Kitô hữu, nơi mà còn tồn tại nhiều lối sống, phong tục không phù hợp với chân lý. Chúng ta đừng quên rằng chân lý (sự thật) không chỉ đối nghịch với “sai lầm” mà còn đối nghịch với “giả dối” nữa, và Lời Chúa không ngừng kêu gọi chúng ta hãy cải hoán, thay đổi não trạng (metanoia). 

Đối thoại không có nghĩa là ù lì, mỗi người giữ nguyên trạng thái của mình. Làm như thế là “bảo thủ”, ngoan cố. Điều này không chỉ áp dụng cho việc đối thoại với các tôn giáo mà cả với triết học, khoa học nữa. 

Ngày nay, tất cả mọi người (cách riêng là các tôn giáo) có trách nhiệm đối thoại hợp tác với nhau để xây dựng hoà bình (trước hiểm hoạ chiến tranh), công lý (trước những tranh chấp giữa những người giàu và người nghèo), bảo vệ môi sinh (trước những khai thác bừa bãi của kỹ thuật). Tuy nhiên, hồng y Ratzinger đã lưu ý đến một sự nhận xét của cha J. A. Cuttat[5] như sau : có người mời gọi chúng ta hãy khước từ đức tin của mình đi, để tiến tới một tôn giáo hoàn cầu (đây là một thủ đoạn xảo quyệt của ma quỷ, và chắc chắn không thể nào thực hiện được) ; điều mà chúng ta cần nhắm tới là van xin cho hết mọi người được đoàn kết yêu thương nhau trong tình yêu của Thiên Chúa. 

Kết luận

Phải tuyên xưng chân lý Kitô giáo như thế nào? 

Từ đầu đến giờ, chúng ta mãi bận tâm với việc tuyên xưng Kitô giáo trước mặt thế giới đa nguyên, tìm cách trình bày Kitô giáo cho những người không cùng quan điểm với mình. Nhưng chúng ta đừng nên quên bổn phận của chúng ta đối với chân lý Kitô giáo. Trước khi nói đến việc rao giảng chân lý cho thế giới, cần phải nói đến thái độ của chúng ta đối với chân lý. Thực vậy, chúng ta có nghĩa vụ phụng sự chân lý và để cho chân lý chất vấn chúng ta. Xin trích dẫn hai đoạn nằm ở kết luận hai bài thuyết trình cuối cùng của hồng y Ratzinger. 

Trước hết, chúng ta hãy nghe đoạn kết luận của buổi thuyết trình tại Subiaco ngày 1/4/2005 (một ngày trước khi đức thánh cha Gioan Phaolô II qua đời).

Vào thời buổi lịch sử này, điều mà chúng ta đang cần hơn cả là những con người, nhờ một đức tin sáng suốt và sống động, có thể làm cho Thiên Chúa khả tín trong thế giới này. Chứng tá tiêu cực của những Kitô hữu nói về Thiên Chúa và sống trái nghịch với Chúa đã làm cho hình ảnh Thiên Chúa trở thành mờ tối và mở cửa cho thái độ vô tín ngưỡng. Chúng ta cần đến những người có đôi mắt nhìn cắm vào Chúa để có thể hiểu được loài người. Chúng ta cần những người với trí tuệ được soi sáng nhờ ánh sáng của Thiên Chúa, với con tim được Thiên Chúa mở ra, ngõ hầu trí tuệ của họ có thể nói với trí tuệ của người khác, ngõ hầu con tim của họ có thể mở ra tới con tim của người khác. Duy chỉ nhờ những con người đã được Chúa chạm tới thì Chúa mới có thể đến gần gũi con người, tựa như thánh Biển đức. 

Bài kết luận thứ hai, trích từ bài giảng thánh lễ trước khi bầu cử giáo hoàng (ngày 18/4/2005), do đức hồng y Ratzinger chủ tọa trong tư cách Niên trưởng hồng y đoàn. Khi chú giải bài đọc trích từ thư gửi Ephêsô 4,11-16 (“Chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi theo mọi chiều gió đạo lý… những sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là đầu”), ngài nói : 

Chúng ta đã chứng kiến biết bao nhiều luồng gió, bao nhiêu ý thức hệ, bao nhiêu luồng tư tưởng.. Macxit, tự do, tập thể, vô tri, thần bí… Còn chúng ta, chúng ta có một tiêu chuẩn khác : đức Kitô là Con Thiên Chúa, và là con người thực sự. Đức tin trưởng thành là một đức tin không bị lôi cuốn theo phong trào, thời trang ; đức tin trưởng thành là đức tin cắm rễ trong tình bạn hữu với Chúa Kitô. Chính tình bạn này mở cho chúng ta thấy cái gì là tốt và cho chúng ta tiêu chuẩn để phân biệt điều đúng điều sai, chân lý và phỉnh gạt… Thánh Phaolô đã cống hiến một công thức tuyệt đẹp : làm chân lý trong bác ái. Trong đức Kitô, chân lý và bác ái đồng tụ với nhau. Trong mức độ chúng ta tiến lại gần đức Kitô thì chân lý và bác ái cũng sẽ quyện với nhau trong cuộc đời chúng ta. Bác ái không có chân lý thì mù quáng ; chân lý mà không có bác ái thì chỉ là “thinh la inh ỏi” (1Cr 13,1). Chúng ta hãy để cho mình bị ám ảnh bởi một nỗi thao thức : thao thức muốn mang lại cho hết mọi người hồng ân đức tin, tình bạn với Đức Kitô. Thực vậy, tình yêu, tình bạn với Thiên Chúa được ban cho chúng ta để được mang đến cho người khác. Chúng ta đã lãnh nhận đức tin để trao tặng cho người khác. Và chúng ta phải mang về hoa trái còn tồn tại (x. Ga 15,16). Ai ai cũng muốn để lại một dấu vết tồn tại mãi. Nhưng cái gì tồn tại mãi được? Tiền bạc ư? Không. Các nhà cửa cũng không tồn tại ; sách vở cũng không tồn tại. Sau một thời gian, dài ngắn hơn kém, tất cả những cái đó sẽ không tồn tại. Điều duy nhất tồn tại mãi mãi là linh hồn con người, con người được Chúa dựng nên cho vĩnh hằng. Vì thế hoa trái tồn tại là điều mà chúng ta đã gieo vào lòng con người – tình yêu, sự hiểu biết ; một cử chỉ có sức lay động trái tim, một lời nói mở cửa cho linh hồn được hưởng niềm vui của Chúa… Chỉ có như vậy trái đất mới có thể biến đổi từ vũng nước mắt thành hoa viên của Chúa. 

Thiết tưởng những lời ấy đủ để giải thích vì sao, khi thụ phong giám mục, ngài đã chọn khẩu hiệu “cooperatores veritatis” (cộng sự viên của chân lý : 3 Ga 8), khi đắc cử giáo hoàng, ngài đã chọn danh hiệu là Bênêđictô, và vì sao thông điệp đầu tiên mang tựa đề “Deus caritas est”. Như đã nói ở đầu, chúng tôi chỉ dừng lại ở các bài thuyết trình, phỏng vấn của ngài trước khi đắc cử giáo hoàng. Những ai muốn tìm hiểu thêm trong giai đoạn tiếp theo có thể truy cập trên mạng, cách riêng là những bài giảng nhân đại hội giới trẻ vào tháng 8 năm ngoái tại Cologne, và gần đây hơn cả là cuộc phỏng vấn tại Castel Gandolfo (ngày 5/8/2006), dành cho các đài phát thanh “Bayerischer Rundfunk” (ARD); “ZDF” ; “Deutsche Welle” ; “Radio Vaticana” trước khi lên đường viếng thăm nước Đức sắp tới (9-14/9). 

Phan Tấn Thành

______________

[1] Tuy nhiên, chúng tôi không trích dẫn các văn kiện do Bộ phát hành, chẳng hạn như Tuyên ngôn Dominus Iesus (6/8/2000), hoặc “Nhận định về sự dấn thân và thái độ của các người công giáo trong đời sống chính trị” (24/11/2002).
[2] Câu chuyện được trích dẫn trong bài số 5.
[3] Chúng ta có thể tìm thấy sự phân tích khái niệm chân lý trong Huấn thị về vai trò của thần học gia trong Giáo hội (24/5/1990), bắt đầu bằng hai từ Donum veritatis (quà tặng chân lý), và trình bày những khía cạnh chân lý từ số 1-8. Ngắn gọn hơn nữa là sách Giáo lý Hội thánh công giáo, khi giải thích điều răn thứ tám (Chớ làm chứng dối) đã mở đầu với việc trình bày khái niệm về sự thật và giả dối. Sự thật bao hàm ba lãnh vực : biết – làm – sống (số 2465-2474).
[4] Tình trạng này được hồng y Ratzinger đặt tên là “giáo điều của thuyết tương đối” (dogmatism of relativism, bài số 1 và 9) hay “độc tài của thuyết tương đối” (dictatorship of relativism, bài số 10), nghĩa là hai bài thuyết trình cuối cùng trước khi đắc cử giáo hoàng.
[5] J. A. Cuttat, Begegnung der Religionen, Einsiedeln 1956, trích ở chú thích số 11 của bài thuyết trình số 4.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận