Lễ Tết Thanh Minh tại Đền thờ họ Võ, Thạch Hạ (Hà Tĩnh): Thiên Chúa là cội nguồn của ánh sáng và bình an

3670 lượt xem

Thiên Chúa là cội nguồn của ánh sáng và bình an, vì “nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36, 10) ; và cũng chỉ trong Thiên Chúa con người mới có bình an, hạnh phúc đích thực: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn con mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62, 2).

Âm lịch Việt Nam bố trí các tháng thiếu, đủ, thường, nhuận bám sát chuyển động biểu kiến của nguyệt cầu, nên còn được gọi là lịch mặt trăng. Thật ra, âm lịch cũng gắn bó chặt chẽ với mặt trời. Mỗi năm có 24 tiết khí, các tiết khí này chính là phản ánh sự thay đổi của vầng thái dương trên cung hoàng đạo, đó là 24 thời kỳ nối tiếp nhau với những biến dịch mang tính chu kỳ và tuần hoàn về nhiệt độ, độ ẩm, lượng gió, lượng nắng, lượng mưa, v.v…, trên mặt đất khu vực Á Đông do vị trí địa cầu thay đổi khi quay quanh mặt trời, đồng thời địa cầu lại tự quay quanh trục của nó. Tính theo thứ tự từ đầu năm, tiết Thanh Minh (trong sáng) là nhịp thời tiết thứ năm, sau Lập xuân (đầu xuân), Vũ thuỷ (ẩm ướt), Kinh trập (sâu nở), và Xuân phân (giữa xuân)…

Tiết Thanh Minh có tục tảo mộ và du xuân, thường nhằm vào ngày 5 tháng 4 (dương lịch), một đôi khi có thể trượt qua ngày 4 hoặc ngày 6 tháng 4, và rơi vào một ngày bất định của tháng Hai hoặc tháng Ba âm lịch.

Với tục tảo mộ, Tết Thanh Minh mang màu sắc tín ngưỡng tâm linh, kính nhớ tổ tiên. Nhiều nơi vào ngày này, người dân không phân biệt dòng họ rủ nhau cúng tế tạ ơn trời đất và tưởng nhớ tiền nhân. Riêng tại Thạch Hạ, ngày này có một ý nghĩa đặc biệt đối với cư dân họ Võ, năm nào cũng tổ chức đại tế quy tụ toàn dòng họ.

Trước năm 1990, các gia đình họ Võ người Công giáo ở Thạch Hạ cũng chăm sóc phần mộ vào ngày Thanh Minh nhưng chỉ làm riêng, không về sum họp tại từ đường Hà Hoàng. Tháng 9 năm 1990, cha Gioan Phêrô Võ Tá Khánh về bái tổ và dâng lễ tại từ đường này. Từ đó, hàng năm, đến Tết Thanh Minh, bà con họ Võ bên giáo ở Thạch Hạ dần dần cũng về sum họp với đại tôn họ Võ tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 2017, dịp khánh thành từ đường mới, cha Gioan Phêrô Võ Tá Khánh đã về chủ tế thánh lễ cầu bình an cho dòng họ. Năm 2018, buổi tối trước ngày Thanh Minh, thánh lễ cầu an tại từ đường họ Võ quy tụ cả ngàn người không phân biệt lương giáo, với sự tham gia đồng tế của một số linh mục trong khu vực.

Đến hẹn lại lên, năm nay vào lúc 19h30 tối ngày 4/4/2019, trước ngày Thanh Minh, cha Võ Tá Khánh đã chủ tế cầu bình an cho dòng họ, tại Từ đường họ Võ, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có quý cha quê hương và đông đảo bà con dòng họ Võ người Công giáo cũng như anh chị em lương dân.

Chia sẻ trong thánh lễ, cha Gioan Phêrô nói: Hôm nay, chúng ta hân hoan cùng nhau về đây họp mừng lễ hội Thanh Minh, lễ hội của tiết trời trong sáng. Câu chuyện đầu sách Sáng thế (St 1,1-13) tường thuật về việc Thiên Chúa dựng nên vũ trụ vạn vật trong sáu ngày, rồi ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi. Đọc chậm và suy ngẫm, ta thấy bài tường thuật sáng tạo không phải là một bài khoa học, nhưng mang âm hưởng của một bài thơ, dùng hình ảnh một tuần lễ bảy ngày để giới thiệu công trình sáng tạo của Thiên Chúa, ca ngợi Đấng Tạo Hóa đã tạo thành vũ trụ thật kỳ diệu.

Nhiều người trong chúng ta hẳn lấy làm lạ: Thanh Minh là lễ hội của tiết trời trong sáng, sao lại bắt đầu vào buổi tối? Thật  dễ hiểu, với người Công giáo, khi nói tới ánh sáng, không chỉ nhắm tới ánh sáng vật lý mắt phàm vẫn nhìn thấy, mà còn hướng tới sự trong sáng tinh thần, hướng tới ánh sáng tâm linh.

Trình thuật của thánh Gioan trong bài Tin Mừng (Ga 9,1-41) cho chúng ta nghe câu chuyện các môn đệ khi gặp một người mù bẩm sinh đã hỏi Chúa Giêsu do đâu mà anh này bị mù? Chúa trả lời: chẳng phải do anh ta hay do cha mẹ đã phạm tội, nhưng sở dĩ anh ta bị mù là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa sắp được tỏ hiện nơi anh ta, tức là sắp được thấy dấu lạ Chúa chữa lành chứng mù bẩm sinh của anh ta. Chúa cho người mù được sáng mắt vì chính Ngài “là sự sáng của thế gian”.

Chúa Giêsu đã dùng một hành vi mang tính biểu tượng, lấy bùn thoa vào mắt anh và bảo anh đến hồ Silôac mà rửa. Anh ta rửa và được sáng, được nhìn thấy ánh sáng vật lý. Chính lúc này, đôi mắt tâm hồn của anh ta cũng được mở ra và nhận được ánh sáng Đức tin, nhờ đó, anh được gặp chính Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Trong cuộc sống lữ hành trần gian, nếu mỗi người đang có những vấn đề phiền muộn về bản thân hoặc gia đình, về vật chất hoặc tinh thần, đừng ngại ngỏ lời với Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng Thương xót. Trong mọi hoàn cảnh và biến cố của cuộc sống, chúng ta nên thinh lặng nghĩ tới Chúa, thưa chuyện với Người và dâng lên những lời cầu khẩn tha thiết, với tất cả sự chân thành tự đáy lòng, Ngài sẽ nhận lời vì chính Chúa đã phán: “Hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Qua thánh lễ Tết Thanh Minh, và nhất là qua sự soi sáng của hai bài đọc hôm nay, đã giúp cho mỗi người chúng ta, lương cũng như giáo, chân nhận ra rằng chính Thiên Chúa là cội nguồn của ánh sáng và bình an, vì “nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36, 10) ; và cũng chỉ trong Thiên Chúa con người mới có bình an, hạnh phúc đích thực: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn con mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62, 2).

Pet. Duy Lượng

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận