Nuôi dạy con cái theo cách thế Công giáo

1563 lượt xem

NUÔI DẠY CON CÁI THEO CÁCH THẾ CÔNG GIÁO

Gregory Popcak

Liệu có một cách thế Công giáo để nuôi dạy con cái chăng?

Điều này thực sự tuỳ thuộc vào ý của chúng ta trong câu hỏi.

Nếu ý của chúng ta là: “Liệu có một danh sách được Giáo hội chấp thuận, ưu tiên, và yêu cầu chúng ta sử dụng để nuôi dạy con cái không?”. Câu trả lời sẽ là: “Chắc chắn là không!”

Nhưng nếu chúng ta muốn nói: “Liệu Đức tin Công giáo của chúng ta có yêu cầu các bậc cha mẹ phải có tư duy về việc nuôi dạy con cái phản ánh tầm nhìn độc đáo của Giáo hội về đời sống gia đình và đưa ra những lựa chọn lưu tâm đến tầm nhìn đó không?” Câu trả lời là: “Tất nhiên là có!”

Tầm nhìn, Phương pháp, và Tư duy

Đức tin của tín hữu Công giáo là một đức tin mang tính nhập thể, có nghĩa là, chúng ta không thể tuyên xưng đức tin và khẩn cầu danh Chúa Giêsu, và thế là xong. Chúng ta phải sống khác! Một cách cụ thể, dù các doanh nhân Công giáo không “được Giáo hội yêu cầu” sử dụng một nhãn hiệu phần mềm kế toán nhất định, nhưng họ được thách đố để có tư duy về công việc, quản lý và tiền bạc, vốn phản ánh quan điểm của Giáo hội về kinh tế và tư duy này hướng dẫn hành vi và lựa chọn của họ tại nơi làm việc; dù Giáo hội không yêu cầu các binh lính mặc đồng phục nào hoặc mang vũ khí gì, nhưng Giáo hội nhấn mạnh rằng những người lính phải có tư duy được hướng dẫn bởi các nguyên tắc Chiến tranh Chính nghĩa, và tư duy này sẽ chi phối hành vi và lựa chọn của họ trên chiến trường; cũng vậy, Giáo hội không bao giờ nói với bậc cha mẹ “Hãy nuôi nấng con cái theo cách này“, hoặc “Hãy chỉ làm những gì phù hợp nhất đối với bạn!” Trái lại, Giáo hội nhắc nhở: “Là người Công giáo, chúng ta có một tầm nhìn độc đáo về đời sống gia đình, vì vậy các bậc cha mẹ Công giáo hãy ghi nhớ tầm nhìn này khi đưa ra quyết định về việc nuôi dạy con cái, để tầm nhìn này trở thành hiện thực, và bạn trở thành chứng nhân mà Giáo hội kêu gọi bạn trở thành”. Vậy, tầm nhìn đó là gì?

Tầm nhìn

Đức Tổng Giám mục Chaput từng nhận xét rằng Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết khoảng 2/3 trong số tất cả những tài liệu của Giáo hội về hôn nhân và đời sống gia đình. Thần học Thân xác (Theology of the Body) của ngài có thể được xem là tuyên bố sứ mạng cho đời sống gia đình Công giáo. Nếu các bậc cha mẹ Công giáo đang tìm kiếm để hiểu xem điều gì làm cho tầm nhìn Công giáo khác với những quan điểm thế tục về đời sống gia đình, thì Thần học Thân xác là một quy chiếu tuyệt vời.

Mặc dù, Thần học Thân xác không nêu rõ là bậc cha mẹ nên sử dụng phương pháp nào, nhưng đưa ra một số nguyên tắc nhất định về đời sống và tình yêu gia đình mà người Công giáo được khuyến khích cân nhắc nghiêm túc khi lựa chọn phương pháp nuôi dạy con cái. Thực ra, những nguyên tắc này là một hình thức giáo lý, khi dạy chúng ta tương tác với con cái, dạy chúng cách suy nghĩ về mối tương quan, cuộc sống, đức tin, các ưu tiên và đạo đức.

Thần học Thân xác và việc nuôi dạy con cái

Thần học Thân xác là một tác phẩm lớn và phong phú. Ở đây, chúng ta chỉ tập trung vào 2 Nguyên tắc thực hành có thể giúp bậc cha mẹ đưa ra những lựa chọn về việc nuôi dạy con cái theo tầm nhìn Công giáo về mối tương quan.

1.Tình yêu là sự hiện thân

Thần học Thân xác dạy rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta thân xác để chúng ta có thể bày tỏ tình yêu thương với nhau. Có cảm giác ấm áp với ai đó thì chưa đủ. Để thực sự có ý nghĩa, tình yêu phải được thể hiện bằng cơ thể của chúng ta và được cơ thể khác trải nghiệm thông qua lời nói và hành động của sự phục vụ, hiện diện và cảm xúc. Biểu hiện của tình yêu càng cụ thể, càng sử dụng nhiều giác quan, thì biểu hiện của tình yêu càng thân mật.

Tầm nhìn của Công giáo về đời sống gia đình là một trong những hiện thân của sự tự hiến. Thiên Chúa ban cho người cha và người mẹ thân xác để họ có thể ôm ấp, ẵm bồng, vỗ về con cái để chúng cảm nhận được tình yêu bao la của Thiên Chúa một cách thực tế và hữu hình. Như Thần học Thân xác nói, “Thân xác, và chỉ thân xác mới có khả năng làm cho sự vô hình, tâm linh, và thần linh trở nên hữu hình“. Con cái của chúng ta lần đầu tiên gặp được thực tại của tình yêu Thiên Chúa qua sự đụng chạm yêu thương của chúng ta. Chúng ta càng gần gũi với con cái bao nhiêu thì chúng càng phát triển khả năng cảm nhận tình yêu và được yêu thương bấy nhiêu. Thật thú vị khi điểm thần học này được sự hỗ trợ của khoa học thần kinh. Cảm xúc thể lý kích thích sự phát triển và myelin hóa thần kinh (sự phát triển của lớp phủ xung quanh các tế bào thần kinh khiến chúng hoạt động nhanh hơn và hiệu quả hơn) nhất là ở những vùng não chịu trách nhiệm về sự đồng cảm, nhận biết các tín hiệu trên khuôn mặt và xã hội, lý luận đạo đức, lòng trắc ẩn và các đặc điểm xã hội khác. Thần học Thân xác dạy rằng sinh học là thần học bởi vì dấu ấn của Thiên Chúa ở trong mọi thụ tạo. Nếu muốn biết Thiên Chúa muốn chúng ta liên kết với nhau như thế nào, hãy nhìn vào những cách liên kết giúp cho cơ thể chúng ta hoạt động tốt nhất.

Khi lưu tâm đến giáo huấn về hiện thân của sự tự hiến như là dấu chỉ tối hậu của tình yêu, các bậc cha mẹ Công giáo sẽ biết nên chọn những phương pháp nào mà họ thành tâm tin tưởng là những cách thức thể hiện tình yêu thương cách thiết thực nhất mà họ có thể cho đi một cách quảng đại.

2.Tình yêu là sự mật thiết

Thần học Thân xác cũng dạy rằng chúng ta được dựng nên không chỉ vì tình yêu mà còn vì sự thân mật. Toàn bộ vấn đề của Tin Mừng là sự kết hợp yêu thương, mật thiết, vĩnh cửu với Thiên Chúa và trong sự thông công với các thánh. Hãy nghĩ về sự mật thiết như một đơn vị đo lường tình yêu. Giống như ly, lít, thùng, cho chúng ta biết lượng nước, sự thân mật cho chúng ta biết tình yêu được thể hiện là một vũng nước hay một đại dương. Thần học Thân xác nói với chúng ta rằng, gia đình phải là “Trường học yêu thương” giúp chúng ta trải nghiệm đại dương tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Nói cách khác, gia đình Công giáo được khuyến khích chọn những cách thức của sự tương quan, sắp xếp các ưu tiên, và kỷ luật con cái nhằm thúc đẩy mức độ thân mật sâu sắc nhất có thể.

Trong Thông điệp Evangelium Vitae, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết,

Bằng lời nói và gương mẫu, trong những mối tương quan và chọn lựa hàng ngày, cũng như bằng các hành động và dấu hiệu cụ thể, cha mẹ dẫn con cái đến sự tự do đích thực, được hiện thực hóa trong sự hiến thân chân thành, và họ vun trồng nơi con cái sự tôn trọng người khác, ý thức về công bằng, cởi mở thân ái, đối thoại, phục vụ quảng đại, liên đới và tất cả những giá trị khác giúp con người sống cuộc đời như một ân ban.

Ở điểm này, Thánh Giáo hoàng nêu rõ sứ mạng của gia đình Công giáo. Để tiếp cận việc nuôi dạy con cái với tư duy Công giáo đích thực, chúng ta phải đưa ra tất cả các lựa chọn của mình sao cho phù hợp với lời kêu gọi tôn trọng, công bằng, cởi mở, đối thoại, phục vụ và liên đới.

Liệu Giáo hội có cho cha mẹ biết chính xác có bao nhiêu hoạt động để con cái họ tham gia, phương pháp kỷ luật nào để lựa chọn, hoặc cha mẹ và con cái cần bao nhiêu thời gian bên nhau không? Dĩ nhiên là không.

Nhưng khi nuôi dạy con cái với tâm tư của Giáo hội, chúng ta tự vấn xem: có bao nhiêu hoạt động mà con cái có thể tham gia trong khi vẫn duy trì tầm quan trọng hàng đầu của sự thân mật trong gia đình. Tương tự như vậy, chúng ta có thể xác định phương pháp kỷ luật nào mang tính “Công giáo” hơn, theo nghĩa là phương pháp kỷ luật ấy dựa trên mối tương quan nhiều hơn, và có nhiều khả năng thúc đẩy đối thoại cởi mở và tình thân ái được thảo luận trong Thông điệp Evangelium Vitae.

Tại sao “làm những gì phù hợp với bạn” là CHƯA đủ?

Thần học Thân xác không cung cấp cho cha mẹ một kế hoạch chi tiết về phương pháp từng bước để nuôi dạy con cái như “Hãy thực hiện những phương pháp này thay vì những phương pháp kia” nhưng nói rằng, “Đây là tư duy mà Thiên Chúa muốn bạn có về cuộc sống gia đình. Hãy chọn một cách phù hợp“.

Là cha mẹ Công giáo, nếu chỉ nói: “Điều gì hiệu quả?” hoặc “Điều gì phù hợp nhất với bạn?” là chưa đủ. Doanh nhân Công giáo không thể làm như vậy. Những người lính Công giáo không thể làm như vậy. Và những gia đình Công giáo cũng không thể làm như vậy. Thay vào đó, từ góc độ của Thần học Thân xác, người Công giáo được thử thách đặt ra câu hỏi:

“Trong tất cả những cách thế khác nhau mà tôi có thể nuôi dạy con cái và tổ chức nếp sống gia đình của mình, lựa chọn nào giúp tôi làm tốt nhất hầu có thể trở thành chứng tá cho sự tự hiến, và kêu gọi sự mật thiết vốn nằm ở trung tâm của quan điểm Công giáo về tình yêu?”

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ:  catholiceducation.org

Nguồn: hdgmvietnam

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận