Hôn nhân không phải là một trò chơi để “chiến thắng”

935 lượt xem

HÔN NHÂN KHÔNG PHẢI LÀ MỘT TRÒ CHƠI ĐỂ “CHIẾN THẮNG”

Joshua Nelson

 Gần đây, nhiều tác giả và diễn giả nổi tiếng đã cố gắng giải quyết tình trạng thiếu ý nghĩa trong cuộc sống của nhiều người trẻ bằng cách hướng sự tập trung vào một yếu tố quan trọng theo truyền thống: Hôn nhân. Nhưng, theo cùng một cảm thức, những diễn giả này đề cập đến “trò chơi hôn nhân” và những người trẻ phải cạnh tranh với nhau như thế nào để tìm được người bạn đời thích hợp.

Theo lối nhìn này, việc hẹn hò giống như một đấu trường thể thao. Người chơi giỏi hơn cuối cùng sẽ giành được người bạn đời ‘tốt nhất’, có được mối tương quan tốt đẹp, và đạt tới cuộc sống ổn định. Nhưng thực tế cho thấy rằng, không phải ai cũng đạt được vị trí cao nhất, và do đó, có một hệ thống phân cấp giảm dần từ những mối tương quan có trật tự đến những mối tương quan hỗn loạn và lỏng lẻo hơn.

Trò chơi chiến thắng” kết thúc bằng hôn nhân – nhưng, tự nó hôn nhân chưa kết thúc, mà theo kiểu nói ngẫu hứng của Jordan Peterson, hôn nhân là một trò chơi trong đó quy tắc căn bản là bạn không được rời đi, và vì thế, toàn bộ nỗ lực tuỳ thuộc vào quy tắc này, đó là việc cùng nhau gánh vác trách nhiệm, khuyến khích nhau hướng tới sự phát triển lành mạnh, và cùng nhau sống có ý nghĩa.

Như là tín hữu Công giáo, chúng ta cần nhận ra rằng: quan điểm như thế về hôn nhân không chỉ vô lý, mà còn rất trần tục và đi ngược với giáo huấn Giáo hội.

Thật vậy, nguyên tắc cơ bản của hôn nhân, trước hết và trên hết, đó là về lòng trung thành.

Thứ đến, khi xem hôn nhân là hợp đồng dựa trên sự chấp nhận nhau, để giữ cho “trò chơi” tiếp tục, thì sự thương lượng trở thành vấn đề lớn tiếp theo. Những diễn giả này thường không lưu tâm đến thực tế là có thể lên kế hoạch và phân tích quá mức mọi khía cạnh của hôn nhân. Vẫn biết rằng, có cấu trúc là một điều tốt, nhưng tình yêu và tính tự phát của hôn nhân có thể bị nghiền nát dưới sức nặng của việc lập kế hoạch.

Tiếp theo, liệu ai sẽ là người “chiến thắng” trong cuộc thương lượng này? Về mặt sinh học, nam giới cơ bắp và mạnh mẽ hơn so với nữ giới – và nam giới thường có ưu thế hơn trong việc giải quyết các vấn đề tổng quát. Vì vậy, việc nói rằng thương lượng và lập kế hoạch liên tục là những cách để giữ cho hôn nhân tiếp tục khi nó trở nên rạn nứt, thì cũng có nghĩa là chúng ta nói rằng người chồng phải nhượng bộ hơn hoặc hung hăng hơn với vợ mình trong việc giải quyết vấn đề.

Ngoài ra, những diễn giả này cũng lập luận rằng hôn nhân phải là điều kéo dài suốt cuộc đời. Tuy nhiên, theo quan điểm của họ, thì lý do nào để tiếp tục hôn nhân nếu quy tắc cơ bản bị phá vỡ hoặc nếu các cuộc thương lượng trở nên kém hấp dẫn hoặc kém hiệu quả hơn?

Có vẻ như những diễn giả này nghĩ rằng hôn nhân giúp bạn trở nên toàn vẹn vì nó đáp ứng những nhu cầu của bạn, và bằng việc chấp nhận trách nhiệm với người khác, bạn sống chân thực hơn và, có một cuộc sống viên mãn hơn. Đây là những mục tiêu đáng ngưỡng mộ, nhưng tất cả chỉ là biện minh cho một hợp đồng pháp lý và cho việc sống chung với người khác. Những lập luận này, chẳng có sự biện minh tôn giáo nào cho hôn nhân cả.

Đối lập với quan điểm thế tục này là nhãn quan của Giáo hội Công giáo về hôn nhân như được diễn tả một cách tuyệt vời trong Sách Giáo Lý:

Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được Rửa Tội lên hàng bí tích. (GLCG 1601)

Theo giáo huấn của Giáo hội,

– Trước hết, hôn nhân được nâng lên hàng Bí tích, thành điều mà chính Chúa Kitô chúc lành và thánh hóa bằng quyền năng thần linh của Người. Hôn nhân được chỉ thị để hướng tới lợi ích của đôi vợ chồng, đến việc sinh sản, và giáo dục con cái – cho toàn bộ cuộc sống. Đó là một hành trình suốt đời, và lợi ích của vợ chồng bao gồm việc chấp nhận trách nhiệm, nhưng cũng có chỗ cho hành vi hy sinh cho nhau. Vì, trong hôn nhân, sự tử tế và cố gắng giúp giảm bớt gánh nặng cho người bạn đời không phải là nhu nhược; nó chỉ nhu nhược khi bạn là người yếu thế và mối tương quan bị mất cân bằng.

– Tiếp đến, điểm nhấn thứ hai của hôn nhân là việc sinh sản và giáo dục con cái; điều khá rõ ràng là thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ, đồng thời cũng tiếp tục diễn ra tốt đẹp sau độ tuổi sinh sản. Nếu bạn nghĩ rằng việc giáo dục con cái dừng lại khi chúng chuyển ra ngoài sống, thì đó thực sự là một sai lầm lớn. Một số kỷ niệm đẹp nhất của tôi được tìm thấy trong việc lắng nghe và học hỏi từ ông bà qua việc nghe những câu chuyện và trải nghiệm của họ.

Điểm khác biệt rất rõ giữa quan điểm thế tục được đưa ra lúc đầu với quan điểm Công giáo. Theo quan điểm thế tục, hẹn hò và kết hôn là những hành động tư lợi, và rất duy vật được thể hiện qua việc chấp nhận trách nhiệm và chia sẻ cuộc sống của bạn với người khác. Trong khi đó, theo quan điểm Công giáo, hôn nhân là bí tích và mang tính xã hội cơ bản. Hôn nhân không chỉ là về sự cân nhắc lựa chọn và cải thiện bản thân, mà hôn nhân còn là một ơn gọi trong đó người ta được mời gọi trực tiếp tham gia vào đời sống của Giáo hội thông qua gia đình, và tập trung chủ yếu vào các khía cạnh gia đình của hôn nhân và bản chất hy sinh, thay vì chỉ đóng khung vào vấn đề là “việc hy sinh là lợi ích tốt nhất cho tôi”.

Ngay cả việc hẹn hò với mục đích kết hôn cũng được nhìn dưới một góc độ rất khác. Theo cách nhìn thế tục, vấn đề là tìm được người để chia sẻ cuộc sống sao cho có nhiều thuận lợi nhất, do đó, bạn nên kết hôn khi còn trẻ để có thể học hỏi và hiểu biết nhau nhiều hơn. Vì vậy, nó trở thành một trò chơi, và bởi vì con người thay đổi theo thời gian, nên có thể xảy ra là, nên chấm dứt hôn nhân nếu nó không còn thuận lợi nữa.

Trong khi đó, theo nhãn quan Công giáo, hẹn hò để tiến tới hôn nhân là một câu hỏi nhiều hơn về việc “Liệu tôi có thực sự muốn xây dựng một gia đình và một xã hội nhỏ với người này đến hết cuộc đời không?” Ở đây không tập trung vào những gì có lợi, nhưng tập trung vào sự hiểu biết đích thực về việc muốn trao mọi thứ cho người khác để xây dựng Giáo hội trên trần gian này. Thật vậy, hôn nhân không phải là một trò chơi để giành chiến thắng, một điều trong danh sách những việc cần phải hoàn thành, nhưng hôn nhân là thực sự hy sinh bản thân, và can đảm dấn thân trong các khía cạnh thực tế của cuộc sống hàng ngày.

Thực tế là điều quan trọng. Những cuốn sách và bộ phim lãng mạn đôi khi biến hôn nhân trở thành hoàn hảo hơn nhiều so với thực tế. Vì, cuộc sống hàng ngày luôn có lúc va chạm, nhàm chán và bất đồng. Thương lượng là điều quan trọng. Nhưng tập trung toàn bộ ý tưởng về cuộc hôn nhân xung quanh việc nó được sắp xếp và cấu trúc đôi khi là lý do tại sao nhiều gia đình Công giáo che chở con cái của họ và thậm chí cả cộng đồng địa phương của họ khỏi thế giới rộng lớn hơn. Một chút xáo trộn là điều tốt, vì nó làm cho ngày mới luôn tươi mới. Chúng ta chẳng thể chạy trốn khỏi thế giới rộng lớn hơn, nên tìm cách trốn tránh nó, hoàn toàn không phải là một ý tưởng hay.

Tôi biết nhiều bạn trẻ gặp khó khăn trong việc tìm bạn đời. Họ đã nghe những lập luận của những diễn giả về “kết hôn khi còn trẻ” và “hôn nhân là tốt cho bạn” bên cạnh cách văn hóa thế tục nhấn mạnh tình dục tùy tiện và không có lòng trung thành thực sự với bất kỳ mối tương quan có ý nghĩa nào. Trái lại, theo nhãn quan Công giáo, hẹn hò và hôn nhân chỉ đơn giản là những mảnh ghép mà chúng ta gọi là cuộc sống – thế giới không nợ chúng ta một người bạn đời phải được cụ thể hóa, và chúng ta không yếu nhược vì “không tìm được đúng người”. Hẹn hò và hôn nhân không phải là điều tuyệt đối cần thiết, nhưng hôn nhân có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào đời sống của Giáo hội trên trái đất bằng tình yêu hy sinh cho người khác, chứ không phải sự cụ thể hóa một ai đó như là một người “bị chinh phục” vì mục đích “chiến thắng” trò chơi hẹn hò.

Một mối tương quan và hôn nhân bền chặt, vui vẻ và đầy hy sinh, với tất cả những khó khăn và gánh nặng kèm theo thực sự là một tấm gương! Trong một thế giới mà quan điểm tự nhiên về hôn nhân đang bị tấn công, bị xem là nơi “cho và nhận” theo hợp đồng, thì tín hữu Công giáo cần cho thế giới thấy rằng, mặc dù những kết thúc có hậu có thể không xảy ra như trong phim, thì vẫn có điều gì đó tốt đẹp có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày tại gia đình.

Hôn nhân không phải là một trò chơi để giành chiến thắng, nhưng đó là sự dâng hiến cách khiêm tốn, quảng đại, và trung thành cuộc đời mình cho người bạn đời để cùng nhau kiến tạo một gia đình, mà trong đó, mỗi người sống hạnh phúc, sống thánh thiện, sống tròn đầy ơn gọi làm người, làm Kitô hữu, trong lòng Giáo hội và xã hội, và vì thế, làm sáng danh Thiên Chúa hơn.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (09. 01. 2023)

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận