Diễn văn Đức Thánh Cha trong cuộc gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ

1036 lượt xem

TÔNG DU KAZAKHSTAN

DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA TRONG CUỘC GẶP CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, TU SĨ

Vatican News (15.9.2022) – Lúc 10:10 giờ địa phương ngày 15/09, Đức Thánh Cha đã di chuyển đến Nhà thờ chính toà Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cách Toà Sứ Thần 4,3km để có cuộc gặp với các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ.

DIỄN VĂN CỦA ĐTC PHANXICÔ
Gặp gỡ các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ
Nhà thờ chính toà Nur-Sultan, ngày 15 tháng 9 năm 2022

Anh em Giám mục, các linh mục và phó tế, tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ thân mến, chào anh chị em!

Tôi rất vui được hiện diện ở đây với anh chị em, để chào thăm Hội đồng Giám mục Trung Á và gặp gỡ một Giáo hội được tạo thành từ nhiều khuôn mặt, lịch sử và truyền thống khác nhau, tất cả được hợp nhất bởi một đức tin duy nhất vào Chúa Giê-su Kitô. Đức cha Mumbiela Sierra, người tôi muốn cảm ơn về lời chào, đã nói: “Hầu hết chúng tôi là người nước ngoài”; điều đó đúng, bởi vì anh chị em đến từ những nơi và đất nước khác nhau, nhưng vẻ đẹp của Giáo hội là thế này: chúng ta là một gia đình, trong đó không ai là người lạ. Tôi nhắc lại: không ai là người lạ trong Giáo Hội, chúng ta là một Dân thánh của Thiên Chúa được làm phong phú từ rất nhiều dân tộc! Và sức mạnh của đoàn dân tư tế và thánh thiện của chúng ta chính là ở sự đa dạng làm nên sự phong phú bằng cách chia sẻ những gì chúng ta là và những gì chúng ta có: sự nhỏ bé của chúng ta nhân lên nếu chúng ta chia sẻ nó.

Đoạn Lời Chúa mà chúng ta đã nghe khẳng định chính xác điều này: mầu nhiệm của Thiên Chúa – Thánh Phao-lô nói – đã được mặc khải cho mọi dân tộc. Không chỉ cho những người được chọn hoặc một nhóm người đạo đức ưu tú, mà cho tất cả mọi người. Mọi người đều có thể đến được với Thiên Chúa, bởi vì – thánh Tông đồ giải thích – mọi dân tộc “được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.” (Ep 3,6).

Tôi muốn nhấn mạnh hai từ đã được thánh Phao-lô sử dụng: thừa kế và lời hứa. Một mặt, Giáo hội luôn kế thừa một lịch sử, luôn là con của lời loan báo Tin Mừng đầu tiên, của một sự kiện đi trước, của các tông đồ khác và những người rao giảng Tin Mừng khác, những người đã thiết lập Giáo hội dựa trên lời hằng sống của Chúa Giêsu; mặt khác, đó cũng là cộng đoàn của những người đã thấy lời hứa của Thiên Chúa được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, và là con cái của sự phục sinh, sống trong niềm hy vọng được thành toàn trong tương lai. Đúng vậy, chúng ta là những người nhận được vinh quang đã hứa, điều linh hoạt bước đường của chúng ta trong sự mong đợi. Thừa kế và lời hứa: sự kế thừa của quá khứ là ký ức của chúng ta, lời hứa của Tin Mừng là tương lai của Thiên Chúa, Đấng đến gặp chúng ta. Tôi muốn cùng anh chị em dừng lại ở điều này: một Giáo hội bước đi trong lịch sử giữa ký ức và tương lai.

Trước hết, ký ức. Nếu ngày nay tại đất nước rộng lớn, đa văn hóa và đa tôn giáo này, chúng ta có thể nhìn thấy những cộng đoàn Kitô giáo sôi động và cảm thức tôn giáo xuyên suốt đời sống của xã hội, thì trên hết là nhờ vào lịch sử phong phú trước đó. Tôi đang nghĩ đến sự truyền bá của Kitô giáo ở Trung Á, đã diễn ra ngay từ những thế kỷ đầu tiên, của nhiều người loan báo Tin Mừng và những nhà truyền giáo, những người đã dành cuộc đời của mình để truyền bá ánh sáng của Tin Mừng, thành lập các cộng đoàn, đền thánh, tu viện và nơi thờ tự. Do đó, có một sự thừa kế Kitô giáo, đại kết, cần được tôn vinh và bảo tồn, một sự chuyển trao đức tin vốn đã coi nhiều người đơn sơ là nhân vật chính, nhiều ông bà, cha, mẹ. Trong hành trình thiêng liêng và của giáo hội, chúng ta không được đánh mất ký ức về những người đã loan báo đức tin cho chúng ta, bởi vì việc ghi nhớ giúp chúng ta phát triển tinh thần chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm trong lịch sử, ngay cả ngang qua những khó khăn của cuộc sống và sự mỏng dòn cá nhân và cộng đoàn.

Nhưng chúng ta hãy cẩn thận: đó không phải là nhìn lại quá khứ với hoài niệm, mắc kẹt vào những thứ của quá khứ và để bản thân bị tê liệt trong sự bất động: đây là cám dỗ đi lùi. Cái nhìn của người Kitô hữu, khi nhìn về ký ức, mở ra cho chúng ta sự ngạc nhiên trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, để lấp đầy tâm hồn chúng ta với lời ngợi khen và biết ơn về những gì Chúa đã thực hiện. Một trái tim biết ơn, đầy tràn lời ngợi khen, không dung dưỡng sự hối tiếc, thay vào đó chào đón ngày hôm nay đang sống như một ân sủng. Và người ấy muốn lên đường, tiến về phía trước, để tiếp xúc với Chúa Giêsu, giống như các phụ nữ và các môn đệ trên đường Emmaus vào ngày Phục sinh!

Chính ký ức sống động này về Chúa Giêsu khiến chúng ta đầy ngạc nhiên và hơn hết là điều chúng ta rút ra được từ Hy lễ Tưởng niệm, sức mạnh của tình yêu thúc đẩy chúng ta. Nó là kho báu của chúng ta. Do đó, không có ký ức thì không có sự ngạc nhiên. Nếu chúng ta mất đi ký ức sống động, thì đức tin, lòng sùng kính và các hoạt động mục vụ có nguy cơ tàn lụi, giống như lửa trong chảo, cháy ngay lập tức nhưng sẽ tắt nhanh chóng. Khi chúng ta mất đi ký ức, niềm vui sẽ cạn kiệt. Ngay cả lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và anh chị em cũng suy giảm, bởi vì chúng ta rơi vào cám dỗ khi nghĩ rằng mọi sự tùy thuộc vào chúng ta. Cha Ruslan đã nhắc nhở chúng ta một điều rất đẹp: rằng là linh mục đã là quá nhiều, bởi vì trong đời sống linh mục, chúng ta nhận ra rằng những gì xảy ra không phải là việc của chúng ta, mà là một món quà của Thiên Chúa. Còn sơ Clara, nói về ơn gọi của mình, đã muốn trước hết cảm ơn những người đã loan báo Tin Mừng cho sơ. Cảm ơn anh chị em về những lời chứng này, vốn mời gọi chúng ta ghi nhớ với lòng biết ơn về sự thừa kế đã nhận được.

Nếu chúng ta nhìn vào sự thừa kế này, chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy đức tin không được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia như một tập hợp những điều phải hiểu và phải làm, giống như một đoạn mã được lập trình một lần cho mãi mãi. Không, đức tin đã được truyền trao bằng cuộc sống, bằng chứng tá mang ngọn lửa Tin Mừng vào trung tâm của những hoàn cảnh để soi sáng, thanh luyện và lan tỏa hơi ấm an ủi của Chúa Giêsu, niềm vui của tình yêu cứu độ, niềm hy vọng vào lời hứa của Người. Sau đó, qua ký ức, chúng ta học được rằng đức tin lớn lên bằng các chứng tá. Phần còn lại sẽ đến sau. Đây là lời mời gọi dành cho tất cả và tôi muốn nhắc lại lời mời gọi đó cho tất cả anh chị em, các tín hữu giáo dân, giám mục, linh mục, phó tế, những người nam và nữ tận hiến, những người đang làm việc theo nhiều cách khác nhau trong đời sống mục vụ của các cộng đoàn: chúng ta đừng mệt mỏi khi làm chứng cho trái tim của ơn cứu độ, sự mới mẻ của Chúa Giêsu, sự mới mẻ đó chính là Chúa Giêsu! Đức tin không phải là một sự phô trương vẻ đẹp về những điều trong quá khứ, nhưng là một sự kiện luôn luôn hiện tại, cuộc gặp gỡ với Đức Kitô xảy ra ở đây và bây giờ trong cuộc sống! Vì vậy, chúng ta không chỉ truyền đạt bằng cách lặp lại những điều thường hằng sẵn có, nhưng bằng cách truyền tải sự mới mẻ của Tin Mừng. Như vậy đức tin vẫn sống động và nhìn thấy tương lai.

Và đây là từ thứ hai, tương lai. Ký ức về quá khứ không làm chúng ta khép lại trong chính mình, nhưng mở ra cho chúng ta lời hứa của Tin Mừng. Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng Người sẽ luôn ở với chúng ta: do đó đây không phải là chuyện của lời hứa chỉ nhắm đến một tương lai xa xôi, nhưng chúng ta được mời gọi hôm nay đón nhận sự đổi mới mà Đấng Phục sinh mang lại trong cuộc sống. Bất chấp những yếu đuối của chúng ta, Người không bao giờ mệt mỏi khi ở bên chúng ta, cùng với chúng ta xây dựng tương lai Giáo hội của Người và của chúng ta.

Tất nhiên, khi đối diện với nhiều thách đố của đức tin – đặc biệt là những thách đố liên quan đến sự tham gia của các thế hệ trẻ -, cũng như đối diện với những vấn đề và khó khăn của cuộc sống và nhìn vào các con số, trong bối cảnh rộng lớn của một đất nước như tại đây, người ta có thể cảm thấy “nhỏ” và bất tương xứng. Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp nhận cái nhìn đầy hy vọng của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ khám phá ra một điều đáng ngạc nhiên: Tin Mừng nói rằng sự bé nhỏ, khó nghèo về tinh thần, là một mối phúc, là mối phúc đầu tiên (xem Mt 5,3), bởi vì sự nhỏ bé làm chúng ta khiêm nhường trước quyền năng của Thiên Chúa và để chúng ta không đặt nền tảng hành động của Giáo hội dựa trên khả năng của chúng ta. Đây là một hồng ân! Tôi nhắc lại: có một ân sủng giấu ẩn khi là một Giáo hội nhỏ, một đoàn chiên nhỏ; thay vì phô trương sức mạnh, các con số, cơ cấu của chúng ta và mọi hình thức khác do con người, chúng ta để mình được Chúa hướng dẫn và khiêm tốn đặt mình bên cạnh mọi người. Không giàu về điều gì và nghèo về mọi thứ, chúng ta bước đi với sự đơn sơ, gần gũi với anh chị em đồng bào của mình, mang niềm vui của Tin Mừng vào những hoàn cảnh của cuộc sống. Như men trong bột và như hạt giống nhỏ nhất được gieo vào đất (x. Mt 13,31-33), chúng ta sống trong những biến cố vui buồn của xã hội mà chúng ta đang sống, để phục vụ nó từ bên trong.

Việc trở nên bé nhỏ nhắc chúng ta rằng chúng ta không tự đầy đủ: rằng chúng ta cần Chúa, nhưng cũng cần người khác, cần tất cả những người khác: cần anh chị em của những hệ phái khác, của niềm tin tôn giáo khác với chúng ta, tất cả mọi người nam nữ có thiện chí. Với tinh thần khiêm tốn, chúng ta nhận ra rằng chỉ cùng nhau, đối thoại và chấp nhận lẫn nhau, chúng ta mới có thể thực sự đạt được điều gì đó tốt đẹp cho mọi người. Đó là nhiệm vụ cụ thể của Giáo hội tại đất nước này: không phải là một nhóm tự kéo mình vào những điều thường hằng cũ rích hoặc khép mình trong lớp vỏ bọc vì cảm thấy mình nhỏ bé, nhưng là một cộng đoàn mở ra cho tương lai của Thiên Chúa, được thắp sáng bởi ngọn lửa Thánh Thần: sống động, đầy hy vọng, sẵn lòng với những điều mới và những dấu chỉ của thời đại, được sinh động bởi luận lý Phúc Âm của hạt giống đang sinh hoa kết trái trong tình yêu khiêm tốn và phong nhiêu. Bằng cách này, lời hứa về sự sống và phúc lành mà Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta qua Chúa Giê-su, không chỉ được thực hiện cho chúng ta, mà còn được thực hiện cho những người khác.

Và điều đó được thực hiện mỗi khi chúng ta sống tình huynh đệ giữa chúng ta, mỗi khi chúng ta chăm sóc người nghèo và những người bị thương tích bởi cuộc sống, mỗi khi trong các mối quan hệ giữa con người và xã hội, chúng ta làm chứng cho​​công lý và sự thật, bằng cách nói “không” với tham nhũng và giả dối. Các cộng đoàn Kitô hữu, đặc biệt là chủng viện, nên là “trường học của sự chân thành”: không phải là môi trường cứng nhắc và hình thức, nhưng là cơ sở đào tạo chân lý, cởi mở và chia sẻ. Và trong cộng đoàn của chúng ta – hãy nhớ rằng – tất cả chúng ta đều là môn đệ của Chúa: tất cả là môn đệ, tất cả đều quan trọng, tất cả đều có phẩm giá như nhau. Không chỉ các Giám mục, các linh mục và những người thánh hiến, mà mọi người đã được rửa tội đều đã được dìm mình vào sự sống của Chúa Kitô và trong Ngài – như Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta – được mời gọi để lãnh nhận cơ nghiệp và chấp nhận lời hứa của Tin Mừng. Do đó, cần phải trao không gian cho giáo dân: điều này sẽ giúp ích cho anh chị em, để các cộng đoàn không trở nên cứng nhắc và giáo sĩ trị. Một Giáo hội hiệp hành, trên con đường dẫn đến tương lai của Thánh Thần, là một Giáo hội có sự tham gia và đồng trách nhiệm. Đó là một Giáo hội có khả năng đi ra gặp gỡ thế giới bởi vì nó được đào tạo trong sự hiệp thông. Tôi đã nhấn mạnh rằng trong tất cả các lời chứng, có một điều được nhắc lại: không chỉ cha Ruslan và các nữ tu, mà còn cả Kirill, người cha của gia đình, đã nhắc nhở chúng ta rằng trong Giáo Hội, khi tiếp xúc với Tin Mừng, chúng ta học cách chuyển từ vị kỷ sang tình yêu thương vô điều kiện. Đó là lối thoát khỏi chính mình mà mỗi môn đệ luôn cần: đó là nhu cầu nuôi dưỡng món quà đã được lãnh nhận nơi Bí tích Rửa tội, là điều thúc đẩy chúng ta đi khắp nơi, trong các buổi nhóm họp Giáo hội, trong gia đình, nơi làm việc, trong xã hội, để trở nên những người nam nữ của hiệp thông và hòa bình, gieo điều tốt lành ở bất cứ nơi đâu. Sự cởi mở, niềm vui và sự sẻ chia là những dấu hiệu của Giáo hội khởi nguồn, và chúng cũng là những dấu chỉ của Giáo hội tương lai. Chúng ta hãy ước mơ và với ân sủng của Thiên Chúa, xây dựng một Giáo hội có thêm niềm vui của Đấng Phục sinh, nơi loại bỏ những sợ hãi và phàn nàn, không để cho mình bị cứng nhắc bởi chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa duy luân lý.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin tất cả những điều này với những nhân chứng đức tin vĩ đại của đất nước này. Tôi muốn đặc biệt nhớ đến Chân phước Bukowiński, một linh mục đã dành cả cuộc đời mình để chăm sóc những người bệnh tật, những người nghèo khổ và bị thiệt thòi, trả giá trên chính làn da của mình cho sự trung thành với Tin Mừng bằng tù ngục và lao động khổ sai. Người ta nói với tôi rằng, ngay cả trước khi ngài được phong chân phước, trên mộ của ngài luôn có những hoa tươi và một ngọn nến thắp sáng. Đó là sự xác nhận rằng Dân Chúa nhận biết nơi nào có sự thánh thiện, nơi nào có mục tử yêu mến Tin Mừng. Tôi muốn nói riêng với các Giám mục và các linh mục, và cả với các chủng sinh, đây là sứ mạng của chúng ta: không phải là quản trị viên của các điều thánh hay người canh chừng việc thực thi các chuẩn mực tôn giáo, nhưng là những mục tử gần gũi với mọi người, những biểu tượng sống động của trái tim nhân từ của Chúa Kitô. Tôi cũng nhớ đến các vị tử đạo Công giáo Hy Lạp, Đức Giám mục Budka, linh mục Don Zarizky và Gertrude Detzel, những người đã bắt đầu tiến trình phong chân phước. Như bà Miroslava đã nói với chúng ta: họ đã mang tình yêu của Chúa Kitô đến với thế giới. Anh chị em là sự thừa kế của họ: là lời hứa về sự thánh thiện mới!

Tôi gần gũi với anh chị em và tôi khuyến khích anh chị em: hãy sống sự kế thừa này với niềm vui và làm chứng cho nó bằng sự quảng đại, để những người mà anh chị em gặp có thể nhận ra rằng có một lời hứa hy vọng cũng được gửi đến cho họ. Tôi đồng hành với anh chị em bằng lời cầu nguyện; và bây giờ chúng ta phó thác mình một cách đặc biệt cho trái tim của Đức Maria Rất Thánh, đấng mà anh chị em ở đây tôn kính một cách đặc biệt như là Nữ Vương Hòa Bình. Tôi đã đọc thấy một dấu hiệu tuyệt đẹp của tình mẫu tử xảy ra trong thời kỳ khó khăn: trong khi rất nhiều người bị trục xuất và bị ép phải chết đói, chết rét, thì Mẹ, một người Mẹ dịu dàng và quan tâm, đã lắng nghe lời cầu nguyện mà các con của Mẹ nói với Mẹ. Vào một trong những mùa đông lạnh giá nhất, tuyết nhanh chóng tan chảy, tạo ra một hồ nước có rất nhiều cá, nơi đã nuôi sống rất nhiều người đói. Xin Đức Mẹ làm tan đi sự lạnh giá của trái tim, truyền cho cộng đoàn chúng ta một hơi ấm huynh đệ đổi mới, cho chúng ta niềm hy vọng và lòng nhiệt thành mới đối với Tin Mừng! Tôi quý mến chúc lành cho anh chị em và cảm ơn anh chị em. Và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận