Hậu corona: Ngày mai thuộc về Cain hay Đức Kitô?

1015 lượt xem

Cái bình thường của ngày mai?

Khi một vài nước Âu Châu đã dần dần nới lỏng cách ly cũng như vài sinh hoạt căn bản trên nhiều miền của nước Việt ít nhiều được hoạt động trở lại, thì câu hỏi về tương lai cũng dần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. “Ngày mai, sau khi cơn dịch bệnh đã qua, bạn sẽ làm gì?” Câu hỏi này, dù vẫn chưa ra khỏi cái chập chờn của tình trạng mơ ước, nhưng đã tượng hình cho cách nghĩ của từng người chúng ta về tương lai.

Cách đây vài hôm, một tờ báo online đã làm một phóng sự nhỏ, hỏi vài người dân sau khi hết cách ly họ sẽ làm gì trước tiên. Trong các câu trả lời, có những mong mỏi hết sức đơn giản, như đi hớt tóc, đi mua hàng bình thường, trở về quê thăm gia đình, thăm cha mẹ già, được đến trường với bạn bè. Người thường là thế! Nhưng còn những câu trả lời có tính quyết định hơn. Giả như câu hỏi này nếu được dành cho những người cầm bánh lái một đất nước thì sao? Chắc không nhà lãnh đạo nào không mong muốn đưa đất nước họ ra khỏi suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội, để đà phát triển được tái thiết.

Tuy nhiên, bằng cách nào cho tương lai … mới là yếu tố quan trọng. Câu hỏi này thật ra là một dị bản của một câu hỏi khác, có màu sắc “tự phê bình” hơn: nhân loại, hiểu như là từng cộng đồng quốc gia, từng gia đình, từng con người, đã rút ra được bài học gì cho tương lai từ thử thách mang tên corona này. Với trách nhiệm trước cộng đồng dân tộc và quốc tế, nhiều nguyên thủ đã đăng đàn, mở màn cho những cảm hứng về tương lai. Dưới đây là một ví dụ. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã đọc những dòng sau đây vào buổi tối thứ Bảy Tuần Thánh, trong đêm trước ngày lễ Phục Sinh:

“Chúng ta đều khao khát trở về cái bình thường. Nhưng thật ra điều đó nghĩa là gì? Có phải là về lại những thói quen, những quanh đi quẩn lại ngày cũ càng nhanh càng càng tốt? Không, thế giới của ngày mai phải là một điều gì khác. Nó sẽ thế nào? Điều ấy nằm trong vòng tay chúng ta. Chúng ta hãy học từ những kinh nghiệm, tốt cũng như xấu mà chúng ta đã trải qua trong cơn khủng hoảng này.

Tôi tin rằng chúng ta đang đứng trước một giao lộ. Thật ra ngay cả trong cơn khủng hoảng, chúng ta đã thấy được cả hai hướng mà chúng ta có thể chọn lựa rồi. Hoặc là mỗi người sẽ vì mình, tự xắn tay áo, chụp giật để lôi con cừu mắc nạn của mình vào nơi an toàn? Hay là tiếp diễn những dấn thân dành cho tha nhân, dành cho xã hội mà cơn dịch này mới hâm nóng lại cho ta? Sẽ vẫn còn tiếp tục không những sáng tạo và sẵn sàng giúp đỡ đầy bộc phát mà ta đang thấy những ngày này? Chúng ta sẽ tiếp tục giữ liên lạc với người hàng xóm già mà chúng ta đã đi mua đồ giúp? Chúng ta vẫn tiếp tục bày tỏ những trân trọng dành cho người chị thu ngân hay anh giao hàng như đã làm trong những ngày qua? Và còn nhiều nữa: sau cơn dịch, chúng ta có tiếp tục nhớ đến những người làm công việc không thể thiếu được, như điều dưỡng, săn sóc, những người làm vệ sinh công cộng, công tác xã hội, nhà trẻ hay trường học không? Có chân nhận giá trị của những lao động của họ nhiều hơn không? Liệu những doanh nghiệp vốn đứng vững sau cơn dịch sẽ giúp những doanh nghiệp bị tổn thất nặng đứng lại trên đôi chân của mình không?”

Thế giới hiện đại, sau vài tuần bị đặt vào tình trạng #stayhome – “sống tại gia” đã khao khát được quay lại cái bình thường, quay lại bản chất homo viator – con người dịch chuyển, quay lại bản chất homo laboris – con người làm ăn sinh sống của mình. Đây đó người ta đã biểu tình và gào thét đòi chính phủ phải nới lỏng lệnh “ngăn sông cấm chợ” để được đi làm, sinh hoạt cộng đồng, để thoát khỏi chế độ sống thoi thóp. Có nơi khác thì khao khát ấy được diễn tả cách im ắng hiền hoà hơn. Dân tộc lớn thì giải cứu gói tỉ đô, dân tộc nhỏ lặng lẽ đi nhặt nhạnh lại những gì còn sót lại trong phần dự trữ của ngân sách từ nền kinh tế yếu ớt của mình.

Có lẽ chính thế giới toàn cầu hoá như đã từng thấy cho đến nay, vốn đã tiếp tay cho sự tăng tốc và phát tán của con virus tai hoạ kia, cũng đang mò mẫm tìm một phiên bản mới cho tình trạng toàn cầu hoá hậu corona cho mình. Hơn bao giờ hết, toàn cầu hoá, một lần nữa lại là một thách đố và một cơ hội mới. Nói như ông Steinmeier, chúng ta hoàn toàn có tự do để chọn một mô hình thế giới hậu corona. Hoặc là lấy lại ngày cũ trước tai hoạ hoặc phát huy bản chất con người sáng tạo của mình như là những ông chủ xứng đáng của tương lai. Từ góc độ Kitô giáo, hình ảnh của cách cũ và cách mới ấy có thể được thể hiện qua hình ảnh Cain, kẻ giết em mình hay Đức Kitô phục sinh, Đấng làm cho mọi sự tái sinh trong mầu nhiệm Thiên Chúa.

Toàn cầu hoá “cạnh tranh” hay toàn cầu hoá “liên đới”?

Hai hình ảnh của Cain và Christus, đến từ Kitô giáo, lại không nên bị bó hẹp từ góc nhìn tôn giáo. Đúng hơn, hai hình ảnh này có thể đóng vai trò biểu tượng cho chọn lựa của cộng đồng nhân loại trong việc xây dựng tương lai của mình. Với hình ảnh Cain, ta tự hỏi liệu có thể sẽ xảy ra một kịch bản buồn, khi tất cả các nền kinh tế, dù còn là cộng sản hay tư bản, thế giới thứ nhất hay thứ ba, vốn đã bị bầm dập vì cơn dịch, sẽ lại lên cơn manh động, mong tái lập lại càng nhanh càng tốt sức mạnh của mình bằng mọi giá, kể cả sát hại những kẻ láng giềng bé nhỏ vốn cũng bị thương tổn về kinh tế không kém. Hình ảnh kẻ giết em mình vốn không lạ gì trong môi trường cạnh tranh bình thường, lại sẽ là một cơn cám dỗ không nhỏ để người ta bứt phá, lấy lại thế thượng phong ngày cũ. Người ta sẽ quay lại với chủ nghĩa bảo hộ kinh tế, chủ nghĩa cô lập và đặt lợi ý kinh tế-chính trị của mình trên hết, để lại vấn đề chung của cộng đồng nhân loại trong tình trạng “thả rông” hoặc “vô chủ”. Còn trong lối nghĩ vi mô, ai dám chắc rằng mình sẽ không rơi lại kiểu sống thói quen hưởng thụ và tiêu dùng, hoặc trong lòng vẫn theo đuổi một quan niệm kinh tế cạnh tranh và duy lợi nhuận bất chấp của ngày cũ.

Câu hỏi trong câu chuyện từ Kinh Thánh dành cho Cain sau khi giết chết em mình: “Em ngươi đâu?” là lời cảnh tỉnh mãnh liệt cho các nền kinh tế và văn hoá trong tương lai. Sau cơn bão dịch, tất cả đều mệt lả và yếu đau. Chúng ta sẽ cố gắng giúp nhau gượng dậy, từng chút một hay dùng sức mạnh còn nhiều hơn của mình để đập đầu đứa em không thể kháng cự được nữa kia?

Đối lập với hình ảnh “sát đệ” của Cain, thần học Kitô giáo coi việc Chúa Giêsu chết và sống lại là nền tảng của mọi quan niệm và hành vi ứng xứ của người tín hữu. Những ngày mà hầu như toàn thế giới phải sống trong tình trạng cách ly lại rơi vào tuần người Kitô hữu kỷ niệm sự đau khổ, cái chết và sống lại của Đấng Sáng Lập tôn giáo của họ. Đó là một sự trùng hợp có ý nghĩa. Sự phục sinh của Chúa Giêsu là biểu tượng cho người kiến tạo một nền huynh đệ mới, nơi mọi quan hệ của họ với thiên nhiên, với nhau được thẩm thấu và bao bọc trong sự tốt lành và tình yêu vô biên của Đấng tối cao. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu mời gọi những môn đệ của ông đi về tương lai, cùng nhau, và hướng lòng về những giá trị bền vững. Một trong những câu nói của Chúa Giêsu là “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày đến tận thế.”

Với Chúa Kitô, tương lai là sự hiện diện trung thành, tôn trọng bước đi về tương lai của từng thành viên nhưng đồng hành, đế ý đến nhau. Hình ảnh tương lai mà tôn giáo này cưu mang là thiên đàng. Thiên đàng sẽ không xảy đến nếu người ta “đơn thân độc mã” tìm kiếm nó, và lại càng xa vời với những thái độ kinh tế, chính trị, xã hội bắt nạt hay lợi dụng. Hãy đọc thêm vài dòng của ông Steinmeier:

“Chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm một giải pháp mới cho thế giới hay chúng ta rơi lại vào sự cố thủ hay đi một mình? Chúng ta sẽ chia sẻ cho nhau những tiến bộ trong nghiên cứu và hiểu biết để sớm tìm ra thuốc ngừa hay phác đồ điều trị, và chúng ta sẽ cùng nhau tạo nên một liên minh toàn cầu để cả những nước nghèo nhất và dễ tổn thương nhất cũng không bị bỏ rơi. Không, đại dịch này không phải là một cuộc chiến. Nước này không đứng lên chống nước kia, lính xứ này không đánh lính xứ khác. Đúng hơn cơn dịch này là một phép thử cho nhân loại. Nó phơi bày cái cao cả nhất cũng như cái hèn mọn nhất của con người. Nhưng chúng ta hãy chọn để cho nhau thấy cái phần cao cả nhất của chúng ta cho nhau!”

Kitô giáo sẽ không có một hướng đi nào khác cho thế giới hậu corona ngoài hình ảnh của Chúa Giêsu Phục Sinh, là hình ảnh của con người chọn phần tốt nhất và cao cả nhất từ nhân tính của mình để cộng sinh. “Trời mới đất mới” mà Kitô giáo quan niệm là sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng nhân loại để tiếp tục sống với nhau trong sự đùm bọc của thiên nhiên, không theo kiểu “terminator” – kẻ huỷ diệt, nhưng như “generator”, – người cưu mang và hạ sinh người khác từ lòng thương cảm vô điều kiện và trí thông minh ngay thẳng của mình.

Khi “corona” trở thành “vương miện” của tình người

Khi tôi chia sẻ góc nhìn hậu corona từ hình ảnh Cain và Christus cho một người bạn, anh trả lời rằng thế giới không chỉ hoàn toàn là Cain và thế giới cũng chưa thấm hết tinh thần của Christus đâu. Tôi nghĩ anh ấy có lý. Thế giới không chỉ là trắng và đen nhưng còn là sự dịch chuyển phức tạp và tinh tế giữa hai cực ấy. Nhưng dù sao, đóng góp của Kitô giáo về hướng đi cho cộng đồng thế giới sau đại dịch thì đã rõ.

Nếu trong những tháng vừa qua, con virus nhỏ bé hình vương miện đã nhấn chìm nhân loại xuống dòng nước đen ngòm của suy thoái, bệnh tật và chết chóc, thì nó cũng là cớ để cộng đồng con người tìm cho mình sự chiến thắng mới của tình bác ái đại đồng. Cái chết của hàng trăm ngàn người trong cơn dịch bệnh này là những viên kim cương, họ mong chúng ta gìn giữ họ trong ký ức, để lương tâm chúng ta, trong mọi chính sách kinh tế, khoa học kỹ thuật, chính trị xã hội và văn hoá, đều được soi sáng, lấp lánh sự liên đới, thông cảm và tình thương.

Bùi Quang Minh, S.J.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận