Bài giảng của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong Thánh lễ Tiệc ly 9/4/2020

1638 lượt xem

Thánh lễ chiều nay được gọi là thánh lễ tiệc ly. Vì toàn thể phụng vụ tái diễn lại bữa tiệc cuối cùng và những nghi thức mà Chúa Giêsu đã làm như rửa chân cho các môn đệ, lập Bí tích Thánh Thể và thiên chức linh mục. Đây là bữa tiệc của hiến tế. Bữa tiệc nhưng lại diễn ra trong bầu khí ly biệt chia xa nên đượm màu u buồn; không tang tóc, bi lụy và thê lương nhưng âm vang của những lời trăng trối, của những bản di chúc, của những kỷ vật trao nhau giữa kẻ ở người đi gợi lên nét trầm buồn, man mác, u hoài và chia xa.

Vì thế, Phụng vụ chiều nay đưa chúng ta trở về với khung cảnh của bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ, đồng thời nhắc nhớ chúng ta sống theo những điều mà bản chúc thư để lại, vì đó là cách biểu lộ và đáp trả đúng đắn nhất tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu; đó là cách chúng ta sống đẹp lòng Chúa nhất; đó là cách chúng ta lan tỏa tình yêu của Người giữa lòng nhân thế hôm nay.

Bài giảng của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cho chúng ta thấy được những ý nghĩa sâu xa đó.

Sau đây là toàn văn bài giảng.

Theo truyền thống của Giáo hội, chủ đề của Thánh Lễ Tiệc Ly luôn xoay quanh hai điểm quan trọng: Yêu thương & Phục vụ. Thánh Gioan viết: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).

Trong bữa Tiệc Ly chiều hôm ấy, cách đây hơn 2000 năm, Chúa Giêsu đã biểu lộ lòng yêu thương của Ngài đối với nhân loại trong một di chúc tình yêu, được thể hiện qua các hành động Rửa chân, công bố Luật Yêu thương, thiết lập Bí tích Thánh Thể & Bí tích Truyền Chức.

1- Vào thời điểm linh thiêng và cận kề cái chết, khi Thầy trò sắp từ biệt nhau, Đức Giêsu muốn để lại cho các môn đệ một di chúc sống động: Rửa chân cho các ông. Giữa các ông đang tranh cãi sôi nổi để tranh giành chỗ nhất trong Vương quốc tương lai và giữa lúc đầu óc các ông còn bận rộn với những toan tính lợi lộc trần thế, Đức Giêsu tiến đến chỗ các ông, cúi xuống thật sâu, như muốn trở thành một người tôi tớ hiến thân phục vụ, rồi ân cần rửa chân cho từng người.

Rửa chân xong, Người trở về bàn tiệc và nói: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 12,14-15).

Cử chỉ yêu thương và phục vụ tuyệt vời này là một bài học sống động để các Tông đồ, cũng như tất cả chúng ta biết thể hiện tình yêu bằng hành động phục vụ cụ thể, khiêm hạ, chân thành, theo cách thế của Thầy chí thánh. Như vậy, đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta, không thể chấp nhận thứ yêu thương đầu môi chót lưỡi, mà phải là một tình yêu xả kỷ hy sinh, chấp nhận dấn thân, cúi xuống phục vụ mọi người, đặc biệt những người bất hạnh, khổ đau, bệnh tật .

2- Sau khi đã rửa chân cho các Tông đồ và ban cho họ luật yêu thương, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh thể để hiện diện mãi mãi với tất cả những ai được Người yêu thương, yêu thương đến cùng. Thánh Thể chính là bảo chứng tình yêu vĩnh cửu của Chúa đối với các Tông Đồ. Hơn nũa, Người truyền cho các vị, cũng như cho tất cả những ai được đặt làm tư tế của Giao ước Mới, phải cử hành bí tích này để tưởng nhớ cái chết và sự sống lại của Người, cho đến khi Người lại đến. 

Trong thư I gửi tín hữu Corintô, thánh Phaolô đã để lại cho chúng ta một bản tường thuật cổ xưa nhất: “Trong đêm bị trao nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,23-25).

Theo Công đồng Vatican, bí tích Thánh Thể là “suối nguồn và đỉnh cao của đời sống Kitô giáo” (LG 11). Trong khung cảnh bữa tiệc Vượt Qua, với bánh và rượu hiện diện trước mặt, Chúa Giêsu biến đổi bánh thành Thân xác của Người và rượu thành Máu Người. Khi cử hành bí tích Thánh Thể chúng ta tưởng niệm Hy tế thập giá thuở xưa, đồng thời qua bí tích này Đức Kitô ban chính Mình và Máu Người cho chúng ta, để chúng ta cũng dâng hiến bản thân cho người trong tình yêu và kết hiệp với Người khi rước lễ.

 Bí tích Thánh Thể là trung tâm mầu nhiệm của toàn bộ các bí tích, vì hiến tế trong lịch sử của Đức Giêsu trên thập giá sẽ luôn luôn được thể hiện một cách nhiệm mầu và không đổ máu trong chính lúc các linh mục truyền phép. Mỗi lần cử hành Hy tế này, chúng ta cũng được mời gọi bước đi trên đường của Đức Giêsu, con đường nối kết con người với Thiên Chúa, nối kết con người với nhau.

Chúng ta đang cử hành Thánh lễ Tiệc Ly trong một bối cảnh hoảng loạn của đại dịch Corona Vũ Hán. Trận dịch Corvid-19 đã được toàn cầu hóa: Khoảng một nửa nhân loại đang bị phong tỏa, nhiều trung tâm thành phố bỗng dưng trở thành “thành phố ma”, gần một triệu rưỡi người bị nhiễm và trên 82.000 người đã từ trần trong đau thương, nghẹn ngào, buồn tủi. Hàng triệu người khác đang nơm nớp lo sợ… sắp đến lượt mình.                                          

Trong buổi cầu nguyện Urbi et Orbi ngày 27/3/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận: “Từ nhiều tuần nay, dường như bóng chiều đã đổ xuống. Những bóng đen dày đặc phủ trên các quảng trường, các đường phố và thành thị của chúng ta (…). Chúng ta lo sợ và ngỡ ngàng…  Chúng ta bất ngờ bị cơn bão hung dữ vùi dập. Chúng ta nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất hướng”.

Thật vậy, con virus vô hình đang làm đảo lộn cuộc sống, lột trần những an ninh giả tạo, những chính sách bất công, gian ác, xảo quyệt, những lối sống ích kỷ, thiếu lành mạnh… Chưa ai biết khi nào trận dịch sẽ chấm dứt? Có điều biết chắc là ở thời hậu Corona Vũ Hán, cơ cấu tổ chức thế giới cần thay đổi và phải thay đổi.  

Như các môn đệ thuở xưa, chúng ta cần mời Đức Giêsu bước lên con thuyền nhân loại thế kỷ XXI này. Đây là giai đoạn đòi hỏi nhiều hy sinh, thay đổi và sáng tạo ở mọi cấp độ, cho mọi nước, mọi tầng lớp và mọi người. Với tư cách là Kitô hữu, trong giai đoạn đổi mới này, chúng ta cần can đảm dấn thân với tất cả những người thành tâm thiện chí để chân thành nhìn lại bản thân, cũng như cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội…

Một số người đang nghĩ đến việc tái cấu trúc toàn cầu. Ước mong sao ánh sáng Phục Sinh sẽ giúp các nhà lãnh đạo luôn nghĩ đến lợi ích của nhân loại và bảo vệ vũ trụ vạn vật, chứ không chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của dân tộc mình; ước mong sao lợi nhuận không trở thành mục đích duy nhất của sách lược kinh tế, mà còn phải đếm kể đến  công thiện công ích; cũng hy vọng con người không tiếp tục lấy tham vọng và tự do cá nhân làm chuẩn mực của cuộc sống, mà lãng quên nhân phẩm, nhân quyền cũng như các giá trị tâm linh đạo đức khác.

+ Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận