Sứ điệp gửi các Phật tử nhân dịp đại lễ Vesak 2020

962 lượt xem

HỘI ĐỒNG TOÀ THÁNH VỀ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
“Phật tử và Kitô hữu: xây dựng một nền văn hóa từ bi và huynh đệ”
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân dịp đại lễ Vesak 2020 – PL 2564

Thành phố Vatican

Các bạn Phật tử thân mến,

1. Thay mặt Hội đồng Toà thánh về Đối thoại Liên tôn, chúng tôi xin gửi lời chào chân thành và lời chúc tốt đẹp nhất đến các bạn và tất cả các cộng đồng Phật giáo trên khắp thế giới trong dịp các bạn mừng đại lễ Vesak. Từ hai mươi bốn năm nay, Hội đồng Toà thánh về Đối thoại Liên tôn vẫn gửi lời chào đến các bạn trong dịp hoan hỷ này. Và vì năm nay là năm kỷ niệm hai mươi lăm năm của sứ điệp truyền thống này, chúng tôi muốn làm mới lại mối tương quan bằng hữu và hợp tác của chúng tôi với các truyền thống khác mà các bạn là đại diện.

2. Năm nay, chúng tôi muốn cùng với các bạn suy tư về chủ đề: “Phật tử và Kitô hữu: xây dựng một nền văn hóa từ bi và huynh đệ”. Chúng tôi ý thức được giá trị to lớn mà mỗi truyền thống tôn giáo của chúng ta dành cho lòng từ bi và tình huynh đệ trong cuộc tìm kiếm tâm linh, trong chứng tá ​​và trong việc chúng ta phục vụ một nhân loại và một trái đất, cả hai đều bị tổn thương.

3. Tài liệu về tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và cùng chung sốngkhẳng định rằng: “Những giáo huấn thực sự của các tôn giáo mời gọi chúng ta luôn gắn bó với các giá trị của hòa bình; ủng hộ các giá trị của sự hiểu biết lẫn nhau, của tình huynh đệ nhân loại và sự chung sống”. Trong cuộc gặp gỡ với Đức Tăng thống Phật giáo tại Thái Lan vào tháng 11 năm ngoái, Đức giáo hoàng Phanxicô đã bày tỏ rằng “chúng ta có thể phát triển khi sống “tình láng giềng thân ái”. Chúng ta có thể thúc đẩy tín đồ của hai tôn giáo phát triển các sáng kiến bác ái mới, có khả năng tạo ra và nhân rộng các dự án cụ thể trên con đường của tình huynh đệ, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất và vì ngôi nhà chung của chúng ta đã bị ngược đãi quá nhiều. Như thế, chúng ta sẽ đóng góp vào việc xây dựng một nền văn hóa từ bi thương xót, tình huynh đệ và gặp gỡ, ở đây cũng như tại những nơi khác trên thế giới” (x. Chuyến viếng thăm Đức Tăng thống Phật giáo, Bangkok, ngày 21 tháng 11 năm 2019).

4. Đại lễ Vesakmời chúng ta nhớ lại rằng Thái tử Tất Đạt Đa đã cạo đầu và từ bỏ địa vị hoàng tử của mình để ra đi tìm kiếm minh triết. Ngài đổi bộ y phục bằng lụa Benares lấy chiếc áo choàng đơn giản của một nhà sư. Cử chỉ cao quý của ngài khiến chúng ta nhớ đến thánh Phanxicô Assisi: ngài cắt tóc và đánh đổi bộ quần áo đẹp lấy chiếc áo đơn sơ của một hành khất vì ngài muốn đi theo Chúa Giêsu, Đấng “đã huỷ mình ra không, mang lấy thân phận của người tôi tớ” (Pl2, 7) và “không có nơi gối đầu” (Mt 8, 20). Tấm gương của các ngài, và của những ai theo bước các ngài, truyền cảm hứng cho chúng ta về một lối sống siêu thoát bằng cách tập chú vào những gì quan trọng nhất. Như thế, chúng ta có thể cống hiến một cách tự do hơn cho việc thúc đẩy một nền văn hóa từ bi và huynh đệ để giảm bớt những đau khổ của con người và sinh thái.

5. Tất cả đều gắn kết với nhau. Sự tương thuộc lẫn nhau đưa chúng ta trở lại chủ đề lòng từ bi và tình huynh đệ. Với tinh thần biết ơn về tình bằng hữu của các bạn, chúng tôi khiêm tốn xin các bạn đồng hành và trợ giúp những bạn hữu Kitô giáo của các bạn trong việc thúc đẩy lòng nhân ái và tình huynh đệ trong thế giới ngày nay. Khi các Phật tử và Kitô hữu học hỏi lẫn nhau làm sao để ngày càng ý thức và từ bi hơn, chúng ta sẽ có thể tiếp tục tìm kiếm các phương thế hợp tác để biến mối liên kết của chúng ta thành một nguồn phúc lành cho mọi sinh linh và cho hành tinh này, là ngôi nhà chung của chúng ta.

6. Chúng tôi nghĩ rằng để bảo đảm cho tình liên đới phổ quát của chúng ta được tiếp tục, cần có một tiến trình giáo dục cho hành trình chia sẻ của chúng ta. Nhằm đạt được mục tiêu này, một sự kiện thế giới sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 10 năm 2020 với chủ đề “Tái cấu trúc Hiệp ước toàn cầu về Giáo dục”. “Cuộc gặp gỡ này sẽ nhen nhóm lên sự dấn thân của người trẻ và với các thế hệ trẻ, bằng cách canh tân niềm say mê về một nền giáo dục cởi mở hơn và toàn diện hơn, có khả năng kiên nhẫn lắng nghe, đối thoại mang tính xây dựng và hiểu biết lẫn nhau” (Đức giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp nhân dịp Hiệp ước toàn cầu về giáo dục, ngày 12 tháng 9 năm 2019). Chúng tôi mời các bạn hợp tác với mọi người để thúc đẩy sáng kiến ​​này, theo cách cá nhân và trong cộng đồng của các bạn, để đóng góp vào một nền nhân bản mới. Chúng tôi cũng rất vui khi thấy các Phật tử và Kitô hữu biết dựa trên các giá trị sâu xa bền vững và hợp tác với nhau để xóa bỏ các nguyên nhân gây ra những căn bệnh xã hội ở nhiều nơi trên thế giới.

7. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch coronavirus và cho những ai chăm sóc họ. Chúng ta hãy khuyến khích các tín đồ của hai tôn giáo chúng ta sống thời điểm khó khăn này với niềm hy vọng, từ bi và bác ái.

8. Các bạn Phật tử thân mến, trong tinh thần bằng hữu và hợp tác này, một lần nữa chúng tôi chúc các bạn một đại lễ Vesak đầy an lạc.

Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ
Chủ tịch
Kodithuwakku K. Indunil J.
Thư ký

Minh Đức chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp
Văn phòng Đối thoại liên tôn và Đại kết
Trực thuộc HĐGMVN

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận