Giữa những tranh cãi, Vatican giải thích việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi Ukraine “can đảm giương cờ trắng”

995 lượt xem

“Ngồi xuống thương lượng khác với đầu hàng. Nó là sự can đảm để tránh đưa đất nước đến chỗ tự sát” – Đức Thánh Cha phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Radio Télévision Suisse (RTS), một cơ quan truyền thông đại chúng nói tiếng Pháp tại Thụy Sĩ. Trong cuộc phỏng vấn này, Ngài cũng một lần nữa lên án “sự điên rồ của chiến tranh” khi nói về cả hai cuộc chiến tại dải Gaza và Ukraine.

Alona Onyshchuk, 39 tuổi, đến thăm mộ chồng cùng con gái, Anhelina, 5 tuổi, tại Hẻm Anh hùng tại một nghĩa trang địa phương ở làng Lozuvatka, vùng Dnipropetrovsk, Ukraine, ngày 22 tháng 1 năm 2024, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine. (Ảnh OSV News/Alina Smutko, Reuters)

Đức Giáo hoàng khuyến khích Ukraine tìm cách kết thúc chiến tranh thông qua đối thoại với Nga. Quan điểm này đã vấp phải sự chỉ trích từ một số bên ủng hộ Ukraine, khiến Văn phòng Báo chí Tòa Thánh phải đưa ra một tuyên bố làm rõ vào ngày 9/3 vừa qua.

Một cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Vatican vào ngày 2/2 và dự kiến ​​được phát sóng vào ngày 20 tháng 3 trong dịp ra mắt kênh mới chuyên về văn hóa của đài RTS. Tuy nhiên, vào ngày thứ bảy 9/3, hãng tin này đã gửi bản ghi cuộc phỏng vấn cho ANSA – hãng thông tấn của Italia – và Reuters. Ngay sau đó, Vatican đã công bố bản ghi đầy đủ bằng tiếng Ý.

Cuộc phỏng vấn bắt đầu với câu hỏi làm thế nào để tìm ra hướng đi cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Đức Phanxicô trả lời: “Chúng ta phải tiến về phía trước.” “Hàng ngày vào lúc 7 giờ tối, tôi gọi điện cho giáo xứ Thánh Gia ở Gaza. Sáu trăm người đang sống ở đó và họ kể cho tôi những gì họ thấy. Đó là chiến tranh” – Đức Thánh Cha nói về cả “chiến tranh quân sự” và “chiến tranh du kích” – “cuộc nổi dậy, không phải quân sự” của Hamas.

Ngài nói thêm rằng “cuộc chiến nào cũng có hai phe” và lên án cả hai bên chiến tuyến đều “vô trách nhiệm”.

Khi nhà báo người Thụy Sĩ Lorenzo Buccella cho rằng các bên nên giữ niềm hy vọng hòa giải, Đức Phanxicô tiếp lời: “Chúng ta hãy nhìn vào lịch sử, tất cả các cuộc chiến đã trải qua đều kết thúc bằng một hiệp định”.

Ông Buccella lưu ý rằng “một số người ở Ukraine kêu gọi hãy can đảm để đầu hàng, giương cờ trắng, trong khi những người khác nói rằng điều này sẽ trao chính nghĩa cho kẻ mạnh hơn” – ám chỉ Nga. Ông hỏi ý kiến của Đức Thánh Cha về việc này.

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời: “Đó là một cách giải thích. Nhưng tôi tin rằng ‘kẻ mạnh hơn’ chính là kẻ hiểu rõ hoàn cảnh, biết nghĩ đến người dân, và dám can đảm giương cờ trắng để đàm phán. Và ngày nay, các cuộc đàm phán đều có thể thực hiện được với sự giúp đỡ của quốc tế. ‘Đàm phán’ là một từ can đảm. Khi bạn thấy mình đang bị đánh bại, mọi việc không được suôn sẻ thì cần phải có dũng khí để ngồi vào bàn đàm phán. Bạn có thể cảm thấy xấu hổ, nhưng phải mất bao nhiêu sinh mạng nữa mới kết thúc được chiến tranh? Đàm phán kịp thời; hãy tìm một quốc gia nào đó có thể làm trung gian. Chẳng hạn như trong cuộc chiến ở Ukraine hiện nay có rất nhiều nước muốn làm trung gian. Thổ Nhĩ Kỳ đã tình nguyện làm việc này. Và nhiều nước khác nữa. Đừng xấu hổ khi phải đàm phán trước khi sự việc trở nên tồi tệ hơn.”

Những lo ngại liên quan đến bình luận ‘cờ trắng’

Những nhận xét trên – đặc biệt là những lời của Đức Thánh Cha về việc “can đảm giương cờ trắng” – đã gây ra những phản ứng tiêu cực mạnh mẽ từ người dân Ukraine, kể cả từ đại sứ Ukraine tại Tòa thánh, ông Andriy Yurash. Ông đã đặt câu hỏi trên Twitters vào thứ Bảy, rằng liệu có ai đã thảo luận nghiêm túc về hòa bình hay vẫy cờ trắng để xoa dịu Hitler trong Thế chiến thứ hai hay không. Đề cập đến Moscow và Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Yurash nói thêm rằng bài học rút ra từ lịch sử là: “Nếu muốn kết thúc chiến tranh, chúng ta phải làm mọi cách để tiêu diệt con rồng!”

Vào hôm Chủ nhật, ngoại trưởng Ukraine, ông Dmitro Kuleba, cho biết Ukraine sẽ “không bao giờ” giương cờ trắng để đàm phán với Nga, đồng thời chỉ trích những quan điểm của Giáo hoàng khi yêu cầu làm việc đó. “Lá cờ của chúng tôi màu vàng và xanh dương. Đây là lá cờ mà chúng tôi sống, chết và chiến thắng. Chúng ta sẽ không bao giờ giương cao bất kỳ lá cờ nào khác.” ông viết trên Twitters. “Trong cuộc chiến giữa thiện và ác, người mạnh nhất là người đứng về phía thiện chứ không phải là người cố gắng đặt ngang hàng cả hai và gọi đó là ‘đàm phán.’”

Nhà hoạt động nhân quyền Ukraine, bà Oleksandra Matviychuk, cho biết đầu hàng đồng nghĩa với việc Nga sẽ chiếm đóng Ukraine. Bà nói thêm: “Chiếm đóng chỉ là một hình thức khác của chiến tranh”. Bà là chủ tịch của Trung tâm Tự do Dân sự Kiev, tổ chức đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2022. “‘Chiếm đóng’ có nghĩa là ‘tra tấn, cưỡng hiếp, bắt cóc, tước bỏ chính căn tính của mình, buộc nhận làm con nuôi chính con mình đẻ ra, trại tập trung và những ngôi mộ tập thể” – bà nói thêm.

Bà Olena Halushka, người đồng sáng lập Trung tâm Quốc tế Chiến thắng cho Ukraine, một hiệp hội các tổ chức phi chính phủ Ukraine, đã viết trên Twisters rằng: “Đức Giáo hoàng nên có dũng khí để lên án kẻ xâm lược thay vì buộc tội nạn nhân trong cuộc chiến chống nạn diệt chủng”.

Vì một số người đã hiểu sai lời của Giáo hoàng rằng kêu gọi Ukraine nên đầu hàng, một quan chức cấp cao của Vatican (người không muốn nêu tên vì chức vụ ông đang nắm giữ) nói với tạp chí America rằng Giáo hoàng “từ lâu đã quan ngại về số người tử vong và thương vong mà Ukraine đang phải gánh chịu. Đức Thánh Cha tin rằng các bên cần phải đàm phán ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh”. Ông nói rằng Đức Thánh Cha không hề đề nghị Ukraine đầu hàng. Ông cho biết “cờ trắng” là từ của người phỏng vấn. Trong suy nghĩ của Đức Thánh Cha, nó nói đến việc giữ gìn các cuộc thương lượng, không phải là đầu hàng.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cũng nói điều tương tự trong một tuyên bố được đăng trên Truyền Thông Vatican Thứ Bảy. Ông Bruni cho biết lập trường của Đức Thánh Cha đối với Ukraine, quốc gia mà ngài luôn mô tả là một quốc gia “tử đạo”, đã được thể hiện đầy đủ trong lời phát biểu của ngài tại buổi Truyền tin ngày 25 tháng 2, ngay sau ngày kỷ niệm Nga xâm lược toàn diện Ukraine lần thứ hai.

Ông cho biết, ngày hôm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái khẳng định “tình cảm sâu sắc” của mình đối với người dân Ukraine và mời gọi tất cả các bên “tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao nhằm tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

Ông Bruni giải thích thêm rằng ở những chỗ khác trong cuộc phỏng vấn, khi nói về một xung đột khác ở Israel và Palestine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố rõ ràng: “Đàm phán không bao giờ có nghĩa là đầu hàng”.

Ông Bruni cho biết “những phát biểu của Đức Giáo Hoàng (được lấy từ một hình ảnh do phóng viên cung cấp) đã nhắc lại, cùng với những điều khác, những gì ngài đã nói trong hai năm liên tục kêu gọi và tuyên bố công khai, về tầm quan trọng của đối thoại trong việc chống lại sự ‘điên rồ’ của chiến tranh và mối quan tâm hàng đầu về số phận của dân thường.”

Ông Bruni tái khẳng định: “Niềm hy vọng của Đức Thánh Cha là và vẫn là điều mà ngài đã luôn lặp lại trong những năm qua, và được nhắc lại gần đây trong dịp kỷ niệm hai năm nổ ra cuộc xung đột: ‘Mỗi khi nhìn lại tình cảm rất sâu sắc của mình dành cho người dân Ukraine đang chịu tử đạo và cầu nguyện cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho nhiều nạn nhân vô tội, tôi cầu xin có được một chút nhân đạo cho phép kiến tạo các điều kiện cho một giải pháp ngoại giao nhằm tìm kiếm nền hòa bình công bằng và lâu dài.

Tác giả: Gerard O’Connell

Người dịch: Anh Quân từ America Magazine

Nguồn: dongten.net

Xem thêm bài viết liên quan:

Đức Hồng y Parolin: Đối với Dức Thánh cha đàm phán không phải là đầu hàng

 

Có thể bạn quan tâm