Đôi nét về việc Đức Thánh Cha thánh hiến nước Nga và Ukraine

1000 lượt xem

ĐÔI NÉT VỀ VIỆC ĐỨC THÁNH CHA
THÁNH HIẾN NƯỚC NGA VÀ UKRAINE

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

WHĐ (24.3.2022) – Kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bắt đầu vào ngày 24.02.2022, cho đến nay, tình trạng bạo lực ngày càng leo thang, mà theo Đức Thánh Cha Phanxicô, đây là cuộc thảm sát tàn bạo, hoàn toàn “vô nhân”, “phạm thánh” và “không thể biện minh”.

Đứng trước thảm cảnh ngày càng tồi tệ này, Đức Thánh Cha đã mời các giám mục trên toàn thế giới, cùng với các linh mục, và toàn thể Dân Chúa hiệp với ngài trong lời cầu nguyện cho hoà bình và trong việc thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái tim vẹn sạch Mẹ Maria.

Để chuẩn bị cho việc hiệp thông với Vị Cha Chung, chắc hẳn sẽ rất hữu ích nếu chúng ta biết thêm về một số điểm liên quan đến việc rất quan trọng này.

  1. Việc thánh hiến nước Nga và Ukraine sẽ được tiến hành như thế nào?

Hôm 21.3.2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một lá thư mời gọi tất cả các giám mục trên toàn thế giới tham gia với ngài trong lời cầu nguyện cho hòa bình cũng như sự phó dâng nước Nga và Ukraine cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ.

Nghi thức thánh hiến sẽ do chính Đức Thánh Cha cử hành vào lúc 5 giờ chiều, ngày lễ Truyền Tin 25. 3. 2022 tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, Rôma. Cũng vào thời điểm này, Đức Hồng Y Konrad Krejewski, người Ba Lan, với tư cách là sứ thần của Đức Giáo hoàng sẽ cử hành nghi thức thánh hiến tại đền thờ Đức Mẹ Fátima, Bồ Đào Nha.

Đức Thánh Cha yêu cầu các giám mục tham gia việc cử hành này bằng cách mời gọi các linh mục, tu sĩ và các tín hữu quy tụ tại các nhà thờ và các nơi cầu nguyện, cùng lúc khi có thể, vào ngày 25/3, “để Dân Thánh của Thiên Chúa có thể cất lên lời khẩn cầu chân thành và đồng lòng với Đức Maria, Mẹ chúng ta”.

  1. Việc thánh hiến cho Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ nghĩa là gì?

– Thánh hiến là gì?

Thánh hiến một vật gì đó hoặc một ai đó có nghĩa là dâng hiến vật đó hoặc người đó cho một mục đích thiêng liêng. Thuật ngữ này thường được sử dụng trong từ vựng của Giáo hội Công giáo để chỉ địa điểm (nhà thờ), người (các tu sĩ hoặc giáo dân được thánh hiến) và các vật thể được dùng trong phụng vụ. Ngoài ra, tại trung tâm của đức tin Kitô giáo, thuật ngữ này được dùng để chỉ việc thánh hiến Thánh Thể trong Thánh Lễ.

– Thánh hiến cho Đức Maria nghĩa là sao?

Thánh hiến cho Đức Maria có nghĩa là “giao phó thể xác, linh hồn, tài sản, công việc và toàn bộ cuộc sống của một người cho sự bảo vệ, hướng dẫn và cầu bầu của Đức Mẹ”.

Lịch sử của thực hành này bắt đầu với chính Chúa Giêsu, khi bị treo trên Thập giá, đã giao phó tông đồ Gioan, người môn đệ yêu dấu, cho mẹ mình (Ga 19, 26-27). Sau đó, các Kitô hữu đã khấn xin Mẹ Maria chuyển cầu và nâng đỡ họ ngay từ thời Giáo hội sơ khai.

Là một việc sùng kính, người ta cũng có thể dâng hiến bản thân (qua lời nguyện thánh hiến) cho Chúa Kitô qua Mẹ Maria và việc tận hiến này trở nên chính thức hơn vào những năm 1600. Hơn nữa, việc thánh hiến cá nhân này đã được mở rộng đến các thành phố hoặc vùng miền vào thời Trung Cổ. Vua Louis XIII đã thánh hiến nước Pháp cho Đức Maria vào năm 1638, và hành động này đã được các giám mục và giáo hoàng làm theo đối với các quốc gia và địa điểm cụ thể khác, và thậm chí đối với toàn thế giới.

– Nhưng tại sao lại là Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ?

Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ là một lòng sùng kính mang tính Công giáo cụ thể đối với một yếu tố của sự thánh thiện của Mẹ Thiên Chúa: sự trong sạch hoàn toàn của Mẹ, thường được phác hoạ với vòng hoa và một thanh gươm, liên quan đến lời tiên tri của ông già Simeon trong đền thờ: “và một thanh gươm cũng sẽ xuyên thấu tâm hồn bà” (Lc 2,35).

Trong dòng lịch sử của Giáo hội, việc sùng kính Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ là một sự sùng kính vào khoảng Thế kỷ 19, được nêu ra trong tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, được tuyên tín cách long trọng vào năm 1854. Tuy nhiên, việc sùng kính này đã được xây dựng dựa trên các nguyên tắc về Thánh Mẫu học của các nhà thần học thời Trung cổ như Thánh Anselm thành Canterbury và Thánh Bernard thành Clairvaux, và bắt nguồn từ đức tin thời Giáo hội sơ khai.

Một cách cụ thể, việc sùng kính Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ đã trải qua sự phát triển quan trọng ở Pháp từ năm 1830 với sự hiện ra của Đức Trinh Nữ tại Rue du Bac, trong đó bản chất vô nhiễm nguyên tội Đức Maria đã được mạc khải cho Thánh Catherine Labouré. Theo đó, vào ngày 27.11.1830, Mẹ Maria đã yêu cầu nữ tu Catherine Labouré đeo một huy hiệu có hình Thánh Tâm và Mẫu Tâm cạnh nhau, kèm theo lời cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria, được tượng thai vô nhiễm tội, xin cầu bầu cho chúng con là những kẻ đã trông cậy vào Mẹ”.

Nhưng bắt đầu từ năm 1917, qua các cuộc hiện ra của Đức Mẹ với 3 trẻ chăn chiên Giacinta, Phanxicô, và Lucia tại Fatima, tại Bồ Đào Nha thì việc sùng kính Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ mới được nâng lên một tầm quan trọng. Trong lần hiện ra lần thứ hai vào ngày 13. 6. 1917, Đức Trinh Nữ được cho là đã tuyên bố rằng để cứu loài người khỏi hoả ngục, Thiên Chúa muốn “thiết lập trên thế giới lòng sùng kính đối với Trái tim vẹn sạch của Mẹ”.

Vì thế, lòng sùng kính Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ được liên kết mật thiết với các cuộc hiện ra ở Fatima.

  1. Việc thánh hiến nước Nga cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹđã được thực hiện chưa?

Sau biến cố Fatima, có nhiều hành vi khác nhau để thánh hiến cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ:

– Đức Giáo Hoàng Piô XII vào ngày 31.10.1942 đã thánh hiến toàn thế giới, và ngày 7.7.1952, ngài đặc biệt thánh hiến nước Nga cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ với Tông Thư Sacro Vergente Anno, trước tình cảnh khó khăn của những Kitô hữu bị buộc phải sống trong một chế độ cộng sản vô thần.

– Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI vào năm 1964, một lần nữa thánh hiến toàn thể nhân loại cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ.

– Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1981, 1982, đã tiếp tục thánh hiến toàn thể nhân loại cho Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ. Đặc biệt, vào ngày 25.3.1984, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngài đặc biệt đề cập đến lời thỉnh cầu của Đức Mẹ tại Fatima, và trong sự kết hợp thiêng liêng với các giám mục toàn thế giới, đã ủy thác cho tất cả các dân tộc, và “một cách đặc biệt… những người và các quốc gia đang cần đặc biệt về sự giao phó và thánh hiến này” cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ.

– Đức Thánh cha Phanxicô đã thánh hiến toàn thể nhân loại vào ngày 13.10.2013, khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Và lần này, vào ngày 25.3.2022, ngài sẽ thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ trong sự hiệp thông với các giám mục trên thế giới.

  1. Làm sao cả một quốc gia có thể được thánh hiến khi khôngphải tất cả mọi người trong đó, đều là Kitô hữu?

Sự thánh hiến một quốc gia thực sự là một sự khấn nguyện thánh hiến, một sự cầu thay cho đất nước chứ không phải là một sự thánh hiến chính thức cần phải có sự đồng ý của người được thánh hiến.

Trong khi tôn trọng tự do của mỗi người, một hành động thánh hiến kêu gọi sự hoán cải của trái tim.

Sứ điệp của Đức Piô XII gửi nước Bỉ đã nêu rõ: “Bằng cách đặt các hoạt động cá nhân, gia đình và quốc gia của anh chị em dưới sự bảo vệ của Đức Maria, anh chị em nài xin sự bảo vệ và sự giúp đỡ của Mẹ trong mọi nỗ lực của mình, nhưng anh chị em cũng hứa sẽ không thực hiện bất cứ điều gì có thể làm buồn lòng Mẹ và để cả đời mình phù hợp với hướng đi và mong muốn của Mẹ“.

Tông huấn Reconciliatio et paenitentia, Đức Gioan Phaolô II cũng giải thích tiến trình này, được hỗ trợ bởi một con đường hoán cải:

Tiếng “xin vâng” của mẹ là đánh dấu khai mạc “thời viên mãn” mà sự hòa giải của con người với Thiên Chúa qua Đức Kitô đã được thực hiện. Chính trong bàn tay của mẹ, chính trong trái tim vẹn sạch đó – nơi chúng ta hằng ký thác toàn thể nhân loại bị tội lỗi vây bủa và bị xâu xé bởi biết bao căng thẳng và xung đột – tôi lặp lại đặc biệt ý hướng này: ước mong nhờ sự bầu cử của Mẹ, nhân loại khám phá và bước đi trên con đường sám hối, con đường độc nhất có thể dẫn tới sự hòa giải toàn vẹn.

Trên thực tế, đã có nhiều quốc gia đã được thánh hiến cho Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ Maria. Chẳng hạn như:

Các giám mục Bồ Đào Nha đã thánh hiến Bồ Đào Nha vào ngày 13.5.1931; Ba Lan được thánh hiến vào năm 1946; và Úc vào năm 1948.

Gần đây hơn, trong năm 2017, Congo được thánh hiến vào ngày 4.2, trước sự chứng kiến ​​của Đức Hồng Y Parolin, Ngoại trưởng của Tòa thánh; Anh và xứ Wales được Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục Westminster, thánh hiến vào 18.2; và Scotland vào ngày 3.9.

Tại Fatima vào ngày 25.3.2020, 24 quốc gia đã được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ để cầu xin sự bảo vệ, nâng đỡ khi đối mặt với đại dịch Covid-19 bao gồm: Albania, Bolivia, Colombia, Costa Rica, Cuba, Cộng hòa Dominica, Guatemala, Hungary, Ấn Độ, Kenya, Mexico, Moldova, Nicaragua, Panama, Paraguay, Peru, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Tây Ban Nha và Đông Timor.

  1. Đâu là ý nghĩa của việc Đức Thánh Cha thánh hiến nước Nga và Ukraine lần này?

Như chính Đức Thánh Cha khẳng định trong lá thư gửi cho các giám mục:

“Hành vi thánh hiến này muốn trở thành một cử chỉ của Giáo hội hoàn vũ mà, vào  thời điểm bi thảm này, mang đến cho Thiên Chúa, qua Mẹ của Ngài và là Mẹ của chúng ta, tiếng kêu đau đớn của tất cả những ai đang chịu đau khổ và cầu xin chấm dứt bạo lực, và phó thác tương lai của nhân loại cho Nữ Vương Hòa Bình”.

Được biết, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng sẽ hiệp ý với Đức Thánh Cha Phanxicô và các giám mục trên thế giới trong việc cầu nguyện thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ.

Cùng quan điểm với Đức Thánh Cha, Đức Giám mục José Ornelas, giáo phận giám sát đền thờ Fatima nhìn nhận rằng, “Đây là một sứ điệp về hòa bình. Nó không chống lại bất cứ ai, nó là một sứ điệp ủng hộ sự hòa giải của con người, để tạo ra một bầu khí hòa bình, thay vì xung đột”.

Còn với cha Ivan Hudz, một linh mục Công giáo người Hy Lạp thì:

Với sự thánh hiến này, người dân Ukraine hy vọng rằng nó sẽ báo trước một thời kỳ hòa bình mới, ‘nhưng không chỉ là bất kỳ thứ hòa bình nào, mà là sự hòa bình đích thực, hòa bình đến từ Thiên Chúa, thông qua Mẹ Maria’”.

Do đó, cha nhấn mạnh: “Không chỉ nước Nga cần phải hoán cải, trong khi chúng ta thì vẫn tiếp tục sống một cuộc sống cứng ngắc về mặt chính trị. Năm 2022 mới bắt đầu được 3 tháng, thử hỏi rằng: đã có bao nhiêu ca phá thai được thực hiện ở Châu Âu? Có bao nhiêu người già bị bỏ rơi? Có bao nhiêu luật trái đạo đức được Chính phủ Liên minh Châu Âu phê duyệt? Sự thánh hiến này không thể chỉ dành cho chiến tranh”.

Vì vậy, nếu chúng ta muốn chân thành tham gia việc thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ, trong khung cảnh của một buổi cử hành sám hối với Đức Thánh Cha và Giáo hội hoàn vũ, thì không nghi ngờ gì nữa, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách “hoán cải tâm hồn và hành động như những người nam và người nữ theo trái tim của Thiên Chúa”.

Để được như thế, ngay lúc này, mỗi chúng ta cùng thầm thĩ cầu nguyện một phần lời Kinh Thánh hiến mà chính Đức Thánh Cha sẽ tuyên đọc trong nghi thức Thánh hiến vào ngày 25.3 tới đây:

Mẹ là Ngôi Sao biển, xin đừng để chúng con bị nhấn chìm trong bão táp chiến tranh.
Mẹ là Hòm Bia Giao ước mới, xin gợi mở cho các dự định và con đường hòa giải.
Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng, xin tái lập hòa bình của Chúa trên thế giới.
Xin Mẹ dập tắt hận thù, xóa tan lòng báo oán và dạy chúng con biết tha thứ.
Xin giải thoát chúng con khỏi chiến tranh, bảo vệ thế giới này khỏi hiểm họa hạt nhân.
Lạy Nữ Vương Mân Côi, xin dạy chúng con nhận ra sự cần thiết của cầu nguyện và yêu thương.
Lạy Nữ Vương của gia đình nhân loại, xin chỉ lối cho các dân tộc nẻo đường của tình huynh đệ.
Lạy Nữ vương Hòa bình, xin ban hòa bình cho toàn thế giới.

Theo: vatican.va 21. 3 ; 24. 3. 2022 ;
The Tablet 23. 3;
Aleteia 22.314. 3. 2022

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận